Đụng độ với Trung Quốc đẩy Ấn Độ xích lại với Mỹ và nhóm "Bộ tứ"
Giới phân tích nhận định, đối mặt với một Trung Quốc ngày một hiếu chiến và được vũ trang tốt hơn, giới hoạch định chính sách Ấn Độ dường như đang tính đến bước đi mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và các đồng minh của Mỹ - những nước có cùng quan ngại về trỗi dậy quyền lực từ Trung Quốc.
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại Gagangir, giáp giới với Trung Quốc ngày 17/6/2020. Ảnh: AFP |
Đụng độ chết người Trung Quốc - Ấn Độ hồi tuần trước, với 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, còn Bắc Kinh chưa xác nhận con số thương vong, là lời cảnh báo mới nhất và sâu sắc nhất về những thách thức đến từ hoạt động quân sự của Trung Quốc dọc tuyến biên giới có tranh chấp trên bộ cũng như ở Ấn Độ Dương.
Một mặt sẽ phản đối can dự trực tiếp của bên thứ ba vào tranh chấp biên giới Trung-Ấn, Ấn Độ mặt khác cũng sẽ tìm cách tạo dựng ưu thế lớn hơn trước Trung Quốc thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ để tăng cường sức mạnh quân sự, và với các quốc gia khác ở châu Á để mở rộng ảnh hưởng của New Delhi.
Theo Manoj Joshi, học giả cấp cao tại Quỹ nghiên cứu Người quan sát (Observer Research Foundation- ORF), một tổ chức điều nghiên độc lập có trụ sở ở New Delhi, Ấn Độ sẽ nỗ lực xích lại gần Mỹ và một số nước muốn kiềm chế Trung Quốc. Cụ thể, Ấn Độ sẽ đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao với các nước có cùng chí hướng là Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản.
Được coi là đầu tàu không liên kết - một thuật ngữ giữ vai trò định vị chính sách đối ngoại của New Delhi trong 50 năm qua, Ấn Độ cũng đã thiết lập bang giao thân thiết hơn với Mỹ. Gần đây, quốc gia Nam Á này cũng mở rộng quan hệ với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Australia, như là một phần trong cái gọi là đối thoại “Nhóm bộ tứ”.
Vài năm gần đây, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập hải quân ở Ấn Độ Dương. Trong tháng này, Ấn Độ cũng đã ký thỏa thuận mới với Australia cho phép quân đội 2 nước được quyền tiếp cận, lưu trú tại các căn cứ quân sự của nhau, mở đường cho quan hệ quốc phòng song phương sâu rộng hơn.
Nhóm “bộ tứ”, tuy khéo léo né tránh nhận thức cho rằng nhằm mục tiêu kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy, được Mỹ coi là một trong những cơ chế quan trọng nhất để cân bằng ảnh hưởng ngày một gia tăng của Bắc Kinh, cũng được xem là một quyền lực quân sự tại khu vực mà quân đội Mỹ xác thực là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quan hệ Mỹ-Ấn từ chỗ lạnh nhạt trong thời Chiến tranh Lạnh đã có bước tiến mới vào năm 2004. Thỏa thuận hạt nhân đột phá Mỹ-Ấn mở ra kỷ nguyên hợp tác mới, được thể hiện qua kết nối kinh tế ngày một mở rộng và đặc biệt là quan hệ quốc phòng song phương. Mỹ hiện coi Ấn Độ là Đối tác Quốc phòng lớn (MDP), một quan hệ quân sự chỉ đứng sau đồng minh hiệp ước được Washington dành cho NATO và Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ajay Kumar, Thư ký Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhìn nhận, môi trường an ninh của Ấn Độ đang gặp thách thức. Quyết định hợp tác cùng nhau như là các đối tác độc lập mang lại lợi ích chung cho cả Washington và New Delhi, phản ánh một tầm nhìn có sự đồng thuận ở cấp chính trị cao nhất.
Vài năm trở lại đây, Ấn Độ đã ký một loạt thỏa thuận quan trọng với quân đội Mỹ, cho phép tăng cường mua sắm vũ khí trang bị từ Mỹ và can dự vào các chiến dịch hỗn hợp giữa hai nước. Các nhà thầu quân sự lớn của Mỹ như Boeing, Lockheed Martinare là những ứng viên hàng đầu trong danh sách cung cấp máy bay chiến đấu Ấn Độ dự kiến đặt mua trong thời gian tới.
Về phần mình, Trung Quốc thường xuyên cảnh báo Ấn Độ và một số nước khác không nên tham gia vào các nỗ lực ngoại giao và quân sự chống Bắc Kinh. Một số chuyên gia cho rằng vẻ hiếu chiến của Trung Quốc ở vùng Himalaya vừa qua có thể là nhằm dụng ý cảnh cáo Ấn Độ về những thách thức Bắc Kinh có thể gây ra một khi New Delhi có thêm hành động kiềm chế Trung Quốc.
Ấn Độ đối mặt với lựa chọn khó khăn khi xử lý xung đột tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Theo Ashley Tellis, cựu quan chức an ninh cấp cao dưới thời Tổng thống George W. Bush, tâm lý chống Trung Quốc trong dân chúng Ấn Độ sẽ tăng lên, đẩy chính quyền của Thủ tướng Modi vào tình thế buộc phản kháng theo một cách thức nào đó.
Trả đũa trực diện cho vụ đụng độ hôm 15/6 nhằm vào một đối thủ có ngân sách quốc phòng gấp 4 lần Ấn Độ thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ leo thang chết người hơn. Nhưng ông Modi cũng không thể xuống nước, nhượng bộ trước tuyên bố đòi chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ rộng lớn mà nhiều phần trong số này đã được nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.
“Quan hệ Trung-Ấn ngày nay đang ở vào thời điểm bước ngoặt, chịu nhiều sức ép. Nếu Trung Quốc không có hành động mang tính sửa sai, sức ép đó sẽ ngày một tăng”, Ashok K. Kantha, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi và nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh nhận định.
HOÀI THANH (TTXVN)