.

Bắt đầu nghiên cứu xét nghiệm lâm sàng phương thức chữa COVID-19

Cập nhật: 20:38, 26/02/2020 (GMT+7)

Mỹ đang tiến hành nghiên cứu xét nghiệm lâm sàng đầu tiên để tìm phương thức chữa trị bệnh dịch COVID-19. Cuộc thử nghiệm lâm sàng này được thực hiện trên 400 bệnh nhân đến từ 50 khu vực trên thế giới. Hơn một nửa số bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir, trong khi số còn lại được cung cấp một loại giả dược (placebo - một loại thuốc giả mà các nhà nghiên cứu bào chế, sao cho nó hoàn toàn không có một tác dụng sinh lý gì đến căn bệnh, nhưng đồng thời cũng không làm hại đến sức khỏe bệnh nhân).

 Y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Jinyintan, Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: EPA
Y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Jinyintan, Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: EPA

Tiến sĩ Andre Kalik, người phụ trách giám sát lần nghiên cứu này, cho biết cuộc xét nghiệm lâm sàng được tiến hành nhằm đáp ứng sự bùng phát bệnh dịch bắt nguồn từ Trung Quốc. Bệnh nhân trước đó nhập viện sau khi chẩn đoán nhiễm COVID-19 sẽ được phép tham gia thử nghiệm lâm sàng nếu như họ có triệu chứng không quá nghiêm trọng.

Hiện nay vẫn chưa có phương thức chữa bệnh hoặc vaccine phòng ngừa loại virus mới được thế giới công nhận chính thức. Trong các phác đồ điều trị, các bác sĩ chỉ cung cấp cho bệnh nhân thuốc giảm đau và dung dịch truyền nhằm giảm bớt các triệu chứng, bao gồm sốt, ho và khó thở. Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng, các bác sĩ sử dụng máy thở để trợ giúp bệnh nhân thở hoặc máy bơm cung cấp oxy cho máu nhằm giảm bớt áp suất cho tim và phổi.

Trong một bản dự thảo kế hoạch nghiên cứu xuất bản vào tháng trước, WHO cho biết thuốc Remdesivir được coi là “ứng viên tiềm năng nhất” cho cuộc chạy đua tìm phương thức chữa trị COVID-19. Thuốc này trước đó được sản xuất và đã đưa vào sử dụng để chữa trị cho bệnh nhân mắc Ebola tại Congo. Các bác sĩ đã dùng loại thuốc này để chữa trị cho một bệnh nhân ở Washington bị nhiễm COVID-19 sau khi trở về từ TP.Vũ Hán. Mặc dù người đàn ông này đã khỏi bệnh và xuất viện, song vẫn chưa có báo cáo chính thức về việc thuốc Remdesivir có tác dụng trong việc chữa khỏi cho bệnh nhân trên hay không.

HỒNG HẠNH

 
.
.
.