Lãnh đạo Nga, Đức đồng thuận về nhiều vấn đề quốc tế
Ngày 12/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm tới Nga và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự đồng thuận về hàng loạt vấn đề trong quan hệ song phương và quốc tế cùng quan tâm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc họp báo chung. |
Trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Moscow, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin đã nêu quan điểm về các vấn đề như dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới dự án này, cuộc khủng hoảng tại Libya, vấn đề Iran, cuộc chiến tại Syria, tình hình Trung Đông, cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.
Đề cập tới dự án Nord Stream 2, Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án này. Theo bà, Đức không thấy có sự phụ thuộc vào Nga trong vấn đề cung cấp khí đốt.
Nhà lãnh đạo Đức khẳng định Berlin và Moscow tiếp tục duy trì các mối quan hệ kinh tế tích cực bất chấp các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Tổng thống Putin tin tưởng Nga có thể tự lực hoàn thành dự án song thừa nhận việc xây dựng Nord Stream 2 sẽ bị chậm vài tháng.
Nhà lãnh đạo Nga hy vọng tuyến đường ống dẫn khí đốt này sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 hoặc trong quý I/2021.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Libya, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố hòa đàm Libya sẽ được tổ chức tại thủ đô Berlin, bày tỏ hy vọng những nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới thành công. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Liên hợp quốc sẽ chủ trì cuộc đàm phán nếu sự kiện này diễn ra ở Berlin và rằng các bên tham chiến ở Libya cần đóng vai trò chính nhằm giúp tìm ra một giải pháp. Theo bà, mục đích của cuộc đàm phán là tạo cơ hội để Libya trở thành một quốc gia có chủ quyền và hòa bình.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Đức, đồng thời cho rằng tình hình tại Libya đang tác động tới sự ổn định của khu vực và ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu. Ông Putin cho biết thêm nếu tại Libya xuất hiện lực lượng đánh thuê từ Nga thì những người này không đại diện cho lợi ích quốc gia của Nga và không nhận được sự ủng hộ của Moscow.
Trả lời các câu hỏi về vấn đề Iran, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức nhất trí sự cần thiết phải duy trì thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), trong đó nhấn mạnh các biện pháp ngoại giao.
Thủ tướng Đức Merkel cho rằng việc Iran thừa nhận đã bắn nhầm chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine khiến 176 người thiệt mạng là “bước đi quan trọng”. Theo bà, đây là một thảm kịch.
Về cuộc chiến ở Syria, Tổng thống Putin cho biết Nga và Đức chia sẻ quan điểm rằng cần chấm dứt chiến tranh thông qua các biện pháp chính trị, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tổng thống Nga nhấn mạnh cần phải thống nhất nỗ lực của tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế để giúp đỡ các cơ quan nhà nước Syria và toàn thể nhân dân Syria khôi phục các công trình hạ tầng, điện, nước, các bệnh viện và trường học. Tuy nhiên, ông Putin lưu ý bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng cần được nhất trí với chính quyền hợp pháp của Syria và phân bổ tới tất cả các khu vực chịu ảnh hưởng mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào và không được chính trị hóa vấn đề.
Tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng sẽ không xảy ra các hành động quân sự trên quy mô lớn tại khu vực Trung Đông vì điều đó sẽ là thảm họa đối với toàn thế giới. Theo ông, kịch bản này sẽ dẫn tới làn sóng người di cư và tị nạn ồ ạt, không chỉ tới châu Âu mà còn tới các khu vực khác, gây ra thảm họa nhân đạo và kinh tế.
Đề cập tới vấn đề Ukraine, lãnh đạo Nga và Đức nhất trí cho rằng các thỏa thuận Minsk vẫn là cơ sở không thể thay thế để giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
NGỌC BIÊN (TTXVN)