.
EURO 2020

60 năm khai sáng bóng đá thế giới

Cập nhật: 21:05, 29/01/2020 (GMT+7)

Như một nhà phiêu lưu giàu trải nghiệm, hành trình 60 năm của giải vô địch bóng đá châu Âu EURO cũng có rất nhiều những câu chuyện để kể. Từ thủ môn huyền thoại Lev Yashin, hoàng đế Beckenbauer, câu chuyện cổ tích của Đan Mạch năm 1992 cho đến thần thoại về Hy Lạp năm 2004.

Henri Delaunay, người đã khai sinh EURO.
Henri Delaunay, người đã khai sinh EURO.

Henri Delaunay, cố tổng thư kí Liên đoàn bóng đá Pháp những năm đầu thế kỉ 20, có lẽ không hình dung được rằng, ý tưởng tổ chức một giải bóng đá dành cho cựu lục địa mà ông thai nghén từ năm 1927 đã trở thành một trong những sự kiện được chờ đợi nhất cứ sau 4 năm.

Từ ý tưởng thiên tài của Delaunay

“Các nước châu Âu cần một sự giải thoát”, Delaunay viết trong bức thư đầu tiên của mình gửi lên FIFA vào năm 1955 và nhanh chóng bị bác bỏ, “Chúng tôi không thể sống trong bầu không khí nhàm chán và lỗi thời này được. Các môn thể thao khác đều được tổ chức thành giải đấu châu Âu, vậy thì tại sao bóng đá lại bị lạc hậu đến như vậy”.

Câu hỏi tưởng như đã bị ném vào hư không và quên lãng đó đã được Ottorino Barassi, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italy, người nổi tiếng với việc bảo vệ chiếc cúp vàng thế giới Jules Rimet trong suốt cuộc chiến tranh thế giới giải đáp vào năm 1958. Gần ba năm sau ngày Delaunay qua đời.

Barassi là người khởi xướng cho một cuộc tranh cãi có chủ đích, đó là làm thế nào để bảo vệ được những di sản trong các cuộc đối đầu giữa Bỉ-Hà Lan, Tây Đức-Thụy Sĩ, Ý-Pháp, trong khi có thể khiến cho những giá trị của World Cup lúc đó không bị xói mòn vì lề thói cũ kĩ của mình. Với vị chủ tịch cá tính này, đó là niềm đam mê có tính lan truyền, là sự tạo dựng tình bằng hữu giữa các quốc gia châu Âu, và khai sinh ra một giải vô địch ở cựu lục địa chính là tạo ra một mái nhà cho bóng đá.

Đến năm 1958, UEFA quyết định sẽ khởi xướng giải bóng đá vô địch châu Âu bắt đầu bằng vòng loại với 17 đội tham dự, có 4 đội lọt vào bán kết và năm đó, Liên Xô của Lev Yashin tài ba đã đánh bại Nam Tư trong trận chung kết với tỉ số 2-1 để giành chiếc cúp Henri Delaunay đầu tiên trong lịch sử giải đấu.

EURO của sự khai sáng

Trong vô số những câu chuyện mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã biết về EURO, hoặc yêu thích những bất ngờ đến từ Đan Mạch hay Hy Lạp, luôn có những chương đã bị phủ bụi mà nhiều năm sau thế giới mới được biết đến.

Một trong số đó là màn trình diễn của Tây Đức năm 1972 được báo chí thời đó mô tả là “Bóng đá của những năm 2000”, mà đạo diễn của nó là Helmut Schon, người mất đến 8 năm và thực tế còn lâu hơn thế (14 năm – kể từ khi làm trợ lý cho HLV Sepp Herberger năm 1956) để thai nghén một lối chơi mới dựa trên chiến thuật 1-3-3-3 kinh điển. Ngoài Sepp Maier lì lợm trong khung gỗ, Franz Beckenbauer thông minh ở vị trí thấp nhất trong hàng phòng ngự, bộ khung của Schon còn có Günter Netzer ở tuyến giữa và Vua dội bom Gerd Muller trên hàng công.

Tây Đức lên ngôi sau khi đánh bại Liên Xô 3-0 ở chung kết, và được coi là vị cứu tinh của bóng đá Đức, những người vừa trải qua một năm ác mộng với bê bối dàn xếp tỉ số tại giải đấu non trẻ Bundesliga, đã khiến 52 cầu thủ, 2 HLV bị cấm vĩnh viễn các hoạt động liên quan đến bóng đá.

Đâu là đội bóng hay nhất ở giải đấu này? Đó có thể là Hà Lan của năm 1988 hay không, những người đã quên đi những thất bại lớn tại các trận chung kết World Cup 1974 và 1978, để lần đầu tiên cụ thể hóa được sự ưu việt của triết lý bóng đá tổng lực của Rinus Michel, người đã dành cả đời để phát triển những ý tưởng bóng đá mà các cầu thủ chính là những người tạo ra không gian để họ chơi bóng, và không gian để buộc đối thủ phải thất bại.

“Thứ bóng đá tổng lực của Michel trình diễn vào năm 1988 có sức hấp dẫn như Thuyết tương đối của Einstein”, tờ Guardian viết về đội bóng áo cam năm đó với sự kinh ngạc, còn các đối thủ của Hà Lan thì sốc hoàn toàn cùng với nỗi sợ hãi vô bờ. Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard và Ronald Koeman đã tạo ra một cơn lốc thật sự ở trên sân cỏ, mà cú vô lê của Van Basten vào lưới Liên Xô ở trận chung kết đã thay đổi toàn bộ những nhận thức của chúng ta về trận đấu này, về Hà Lan, về bóng đá tổng lực. Người ta sẽ không bao giờ có được cơ hội thứ hai trong đời mình để tạo ra điều gì kỳ vĩ hơn thế, và những hình ảnh của Hà Lan năm 1988 tồn tại vĩnh viễn trong kí ức của thế giới.

Và những kí ức về kỷ nguyên tiki taka mà Nhà hiền triết Luis Aragones giới thiệu vào năm 2008 vẫn còn tươi mới trong tâm trí chúng ta, nó như một sự tiếp nối tuyệt vời của bóng đá tổng lực 20 năm trước của Rinus Michel, và mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ mà những đường chuyền ngang dọc khắp sân trở thành thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ.

Aragones không chỉ tạo ra một chiến thuật kinh điển, mà còn thay đổi lịch sử bóng đá thế giới với hai nhân vật chính Xavi-Iniesta, những người là định nghĩa chính xác nhất cho phong cách đi trước thời đại và tạo ra cuộc cách mạng lớn lao cho bóng đá sau thời kì bị bão hòa và trở nên nhàm chán vì sự thực dụng thắng thế khắp cựu lục địa. Họ đã nắm giữ trận đấu theo cách của mình bằng bộ não của những thiên tài, với những cú chạm bóng nhanh hơn đối thủ đến 3 giây, 3 giây để tạo ra một kỷ nguyên rực rỡ thật sự là vô giá.

8 năm sau khi tiki taka giữ được đỉnh cao của nó vào năm 2012, EURO 2020 bắt đầu với rất ít những ý tưởng bóng đá mới được hoài thai, nhưng ít nhất, người ta có thể chờ đợi vào những điều kì diệu nào đó như Đan Mạch hay Hy Lạp đã làm trong quá khứ, hay sự tỏa sáng của những ngôi sao như Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Raheem Sterling hay Cristiano Ronaldo, hoặc của những khoảnh khắc kì diệu như Van Basten đã làm được cách đây 3 thập kỷ.

NHẬT MINH

.
.
.