.

Massage Thái, Pencak Silat, cây chà là được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Cập nhật: 19:00, 13/12/2019 (GMT+7)

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 12/12 đã bổ sung 42 thực hành văn hóa trên thế giới vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định này được đưa ra trong khuôn khổ Kỳ họp thường niên lần thứ 14 của Ủy ban liên Chính phủ của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 9 - 14/12 tại thủ đô Bogota, Colombia.

Đáng chú ý, trong các di sản mới được ghi danh có thực hành massage trị liệu truyền thống của Thái Lan, tiếng địa phương gọi là “nuad Thai”. Bắt nguồn từ Ấn Độ, được cho là do các thầy lang và các nhà sư du nhập vào Thái Lan khoảng 2.500 năm trước đây, “nuad Thai” ban đầu chỉ phổ biến trong các đền chùa và sau đó trong các gia đình.

Dưới thời vua Rama III thế kỷ thứ 19, những người nghiên cứu “nuad Thai” đã khắc những hiểu biết của họ về lĩnh vực này lên những tảng đá ở chùa Wat Pho. Năm 1962, trường dạy “nuad Thai” đầu tiên được mở, đến nay đã đào tạo hơn 200.000 học viên đến từ 145 quốc gia. Hiện lĩnh vực mát-xa trị liệu này thu hút hàng chục nghìn lao động tại Thái Lan.

Trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể mới được ghi danh còn có môn võ truyền thống Pencak Silat của Indonesia. Bắt nguồn từ vùng Tây Sumatra và Tây Java, Pencak Silat sau đó đã phát triển khắp đảo quốc này. Trong nhiều thế kỷ, Pencak Silat đã được dùng để huấn luyện cho binh lính của các vương quốc Đông Nam Á, với các thế võ khác nhau tùy theo từng vùng và thường mô phỏng những động tác của các con thú.

UNESCO cũng đã thông qua đề cử của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Bahrain, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Mauritania, Maroc, Oman, Palestine, Saudi Arabia, Sudan, Tunisia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen, ghi danh những thực hành, truyền thống và kiến thức liên quan đến cây chà là vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong nhiều thế kỷ qua, cây chà là được đánh giá có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các nền văn minh tại các vùng khô nóng của thế giới Arab.

NGUYỄN THÁI

 
.
.
.