Chính phủ Pháp quyết tâm cải cách hưu trí
Chính phủ Pháp ngày 17/12 tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch cải cách lương hưu bất chấp việc quan chức phụ trách vấn đề này là ông Jean-Paul Delevoye từ chức và cuộc biểu tình của ngành vận tải tiếp diễn gây đình trệ giao thông.
Tuần hành phản đối cải cách lương hưu tại Paris, Pháp. |
Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye khẳng định, việc ông Jean-Paul Delevoye từ chức không liên quan tới kế hoạch cải cách lương hưu và Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục bảo vệ chương trình này. Theo người phát ngôn Ndiaye, một nhân vật khác sẽ được bổ nhiệm thay thế ông Jean-Paul Delevoye.
Trước đó, ông Jean-Paul Delevoye, cao ủy phụ trách soạn thảo kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ Pháp, đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron và được chấp thuận.
Ông Delevoye trở thành mục tiêu của các nghiệp đoàn sau khi thừa nhận đảm nhiệm cùng lúc 13 chức vụ được trả lương và không được trả lương tại các tổ chức tư nhân trong khi vẫn đang là một thành viên chính phủ. Một trong những vị trí của ông là chủ tịch một cơ quan tư vấn giáo dục có mức lương 5.400 euro (6.000 USD)/tháng. Các khoản thu nhập như vậy lẽ ra phải được nộp lại theo Luật minh bạch chính trị năm 2013 của Pháp. Ông Delevoye tuyên bố sẽ trả lại các khoản tiền với tổng giá trị 120.000 euro nhận được từ tháng 9/2017 song các nghiệp đoàn cho rằng uy tín của ông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, cuộc biểu tình của ngành vận tải Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí đã bước sang ngày thứ 12. Trong ngày 16/12, cuộc biểu tình đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông kỷ lục, kéo dài 630km ở khu vực Paris, nơi chỉ có 2 tuyến tàu điện ngầm hoạt động theo chế độ tự động (không có người lái tàu) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, 14 tuyến tàu điện ngầm khác đều phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với phần lớn các tuyến tàu hỏa ở Paris và các địa phương khác cũng như các tuyến tàu liên vận quốc tế.
Cuộc biểu tình đang diễn ra có sự tham gia của phần lớn nhân viên làm việc ngành công cộng, như nhân viên lái tàu, giáo viên, nhân viên y tế... những người lo ngại về tuổi lao động bị kéo dài và lương hưu thấp hơn.
NGỌC BIÊN (Vietnam+)