.

Cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu

Cập nhật: 20:05, 02/12/2019 (GMT+7)

Năm 2019, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng đến thế. Đây cũng là năm mà làn sóng kêu gọi tăng cường nhận thức và hành động chống biến đổi khí hậu trong cộng đồng tăng cao chưa từng có.

Cánh đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc bị khô hạn do nắng nóng kéo dài tại bang New South Wales, Australia. (Nguồn: AFP)
Cánh đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc bị khô hạn do nắng nóng kéo dài tại bang New South Wales, Australia. (Nguồn: AFP)

Nhưng mọi tác động sẽ không là gì, mọi lời kêu gọi sẽ tan vào hư không nếu thiếu cam kết của giới lãnh đạo 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) từ ngày 2/12 tại Tây Ban Nha.

Hội nghị diễn ra khi ở nhiều nơi trên thế giới, người dân và nhà chức trách vẫn đang phải gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả ngày càng nghiêm trọng từ những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra từ Nam Mỹ cho tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka hay CHDC Congo, mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ... Không một ngoại lệ, biến đổi khí hậu kéo theo nước biển dâng và những đợt thiên tai mỗi năm một khắc nghiệt đang gõ cửa từng nhà, từng vùng, từng quốc gia và từng châu lục. Đó là những gì Trái Đất trải qua khi nhiệt độ mới chỉ tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Thế kỷ 21 đã chứng kiến 18/19 năm nóng nhất trong lịch sử, trong đó có năm 2019.

Các nhà khoa học cũng tiếp tục phát đi những cảnh báo đỏ về tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của LHQ ngày 26/11 chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Nhưng mục tiêu này dường như “bất khả thi” khi trên thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới. Nguy cơ hệ thống khí hậu của Trái Đất bị đẩy vào thảm kịch trở thành “hành tinh nóng không thể sống nổi” là có thật.

Các nhà khoa học Pháp, Mỹ và Canada đã cảnh báo nếu lượng khí thải tiếp tục tăng mạnh, gần 90% dân số thế giới (khoảng 7,2 tỷ người) có nguy cơ bị mất sản lượng trong cả ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Các nhà đầu tư châu Âu cảnh báo rủi ro từ biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lớn hơn một cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo báo cáo thường niên của Lancet Countdown, một liên minh gồm 35 tổ chức, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), biến đổi khí hậu sẽ làm tổn hại sức khỏe của cả một thế hệ, làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm gây chết người, thậm chí là các tổn thương về thể chất và tinh thần do lũ quét và cháy rừng.

Hội nghị 12 ngày sắp tới tại Tây Ban Nha, hội nghị lần thứ 25 được LHQ tổ chức để bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, như thường lệ vẫn là sự kiện được trông đợi sẽ chứng kiến những cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo thế giới.

LÊ ÁNH

.
.
.