Saudi Arabia dự kiến thâm hụt ngân sách năm thứ bảy liên tiếp
Saudi Arabia ngày 31/10 cho biết thâm hụt ngân sách của nước này dự kiến sẽ tăng lên 187 tỷ riyal (49,86 tỷ USD) trong năm tới. Đây sẽ là năm thứ bảy liên tiếp Saudi Arabia thâm thủng ngân sách do giá dầu sụt giảm.
Trong một tuyên bố trước khi công bố bản ngân sách cuối cùng vào tháng 12/2019, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan cho hay con số trên cao hơn đáng kể so với mức thâm hụt ngân sách 131 tỷ riyal (35 tỷ USD) dự kiến cho năm 2019.
Theo kế hoạch ngân sách, chi tiêu của Saudi Arabia trong năm 2020 sẽ ở mức 1.020 tỷ riyal, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả chi tiêu cho các kế hoạch chuyển đổi và đa dạng hóa. Bộ Tài chính ước tính thu ngân dự kiến đạt khoảng 833 tỷ riyal trong năm 2020, với thâm hụt ngân sách ở mức 6,5% GDP.
Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã thâm hụt ngân sách kể từ năm 2014, khi giá dầu sa sút. Trước tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài, nước này đã đưa ra một loạt cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Riyadh đã tăng giá nhiên liệu và điện, áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% và đánh thuế đối với 11 triệu người nước ngoài nhằm gia tăng nguồn thu.
Đầu tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia do một số nhân tố, trong đó có giá dầu thấp. Kinh tế nước này dự kiến chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm 2019, giảm 1,6 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng Tư. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2017, thời điểm kinh tế Saudi Arabia thu hẹp 0,7%.
Tuy nhiên, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia trong năm tới lên 2,2%, cao hơn một chút so với dự đoán đưa ra hồi tháng Tư, với kỳ vọng các ngành phi dầu mỏ sẽ phát triển nhờ các chương trình cải cách kinh tế.
TRÀ MY