.

Những ẩn số về vụ chìm tàu K-129 - Kỳ 1: Ba quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân

Cập nhật: 07:30, 08/11/2019 (GMT+7)

Ngày 8/3/1968, chiếc tàu ngầm Liên Xô K-129 mang theo 3 quả tên lửa hạt nhân tầm trung R-21, bị đắm trên vùng biển Thái Bình Dương, cách đảo Oahu, bang Hawaii (Mỹ) 2.890km về phía Tây Bắc. Tất cả thủy thủ đoàn gồm 89 người không ai sống sót. Mọi nỗ lực tìm kiếm của Liên Xô trong 1 năm sau đó đều thất bại. Năm 1974, phía Mỹ tiến hành dự án Azorian với mục đích trục vớt tàu K-129 để tìm hiểu về tên lửa hạt nhân R-21. Bằng những kỹ thuật tiên tiến cộng với màn kịch đánh lừa hoàn hảo, họ đã phần nào thành công…

Tàu Glomar Explorer trên đường đến điểm trục vớt K-129.
Tàu Glomar Explorer trên đường đến điểm trục vớt K-129.

MẤT TÍCH

Ngày 24/2/1968, tàu K-129 rời căn cứ hải quân Rybachiy, Camchatka, Liên Xô, để thực hiện một chuyến tuần tra ở Thái Bình Dương. Theo kế hoạch, nó sẽ trở về vào ngày 5/5/1968.

Với thủy thủ đoàn 89 người, chiếc K-129 chạy bằng 6 động cơ - vừa diesel, vừa điện - tổng công suất 7.200 mã lực. Nó được trang bị 3 tên lửa đạn đạo SS-N-5, tầm bắn tối đa 1.670km. Mỗi tên lửa đều mang theo một đầu đạn hạt nhân R-21, sức nổ tương đương 1 megaton.

Ngày 30/2, tàu K-129 vượt qua kinh tuyến 180. Đến phiên liên lạc định kỳ trưa ngày 8/3, Hải đội tàu ngầm 15 - là cơ quan chỉ huy của K-129 ở Camchatka không nhận được tín hiệu của K-129. Sau đó, ở phiên liên lạc thứ 2, chiếc K-129 vẫn im lặng mặc dù Hải đội 15 đã gọi trên tần số khẩn cấp.

5 ngày sau, khi mọi thông tin về chiếc K-129 vẫn mờ mịt, Hải quân Liên Xô ra thông báo K-129 mất tích. Một lực lượng cứu hộ bao gồm nhiều tàu, máy bay, xuất phát từ Camchatka và Vladivostok, thay phiên nhau tìm kiếm trên vùng biển Bắc Thái Bình Dương - là nơi chiếc K-129 liên lạc với Hải đội 15 lần cuối cùng. Theo thiết kế, K-129 hoạt động độc lập được 70 ngày nên các chuyên gia tàu ngầm Hải quân Liên Xô hy vọng nếu tàu bị hỏng động cơ hoặc gặp sự cố về hệ thống điều khiển, thủy thủ đoàn vẫn có thể sống sót chờ cứu hộ, bởi lẽ các trạm quan trắc của Hải quân Liên Xô không ghi nhận một vụ nổ hạt nhân nào trong tuyến hành trình của K-129 nên giả thuyết nó mất tích vì 1 trong 3 đầu đạn R-21 phát nổ được gạt sang một bên.

Đến ngày thứ 90 kể từ lúc chiếc K-129 mất tích, các đội tìm kiếm vẫn không thấy bất kỳ manh mối nào. Ngày thứ 160, chiến dịch cứu hộ tạm ngưng, nhưng các tàu Liên Xô làm nhiệm vụ tuần tra, các chuyến bay trinh sát vẫn nhận lệnh chú ý đến K-129. Một số tàu buôn Liên Xô và các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa qua lại vùng biển này cũng được Hải quân đề nghị báo cáo ngay cho họ nếu phát hiện dấu vết của chiếc tàu ngầm.

Về phía Mỹ, thời điểm chiếc K-129 mất tích nằm trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Lạnh nên nó đã gây ra sự chú ý đặc biệt của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), nhất là K-129 lại mang theo 3 tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Ngay khi Liên Xô thông báo K-129 mất tích, bộ phận trinh sát đường biển sử dụng hệ thống thăm dò Sosus, trực thuộc DIA, đặt ở bắc Thái Bình Dương được lệnh tìm hiểu tất cả những dấu hiệu bất thường xảy ra trong ngày 8/3. Với các cơ quan gồm Trung tâm ứng dụng kỹ thuật của Không quân Mỹ, Cơ quan nghiên cứu hải dương của Hải quân Mỹ, trạm thu tin Alaska, DIA được báo cáo rằng xế chiều ngày 8/3, có một âm thanh đơn độc, gần giống như một vụ nổ nhỏ, xảy ra ở vĩ độ 40 và kinh độ 180, sâu khoảng 80m.

Lập tức, DIA điều tàu săn ngầm USS Halibut đến vùng biển này. Vẫn bằng hệ thống thăm dò Sosus, ngày 20/3/1968 chiếc USS Halibut phát hiện xác tàu K-129 nằm dưới 4.900m nước, cách đảo Oahu, bang Hawaii 2890km về phía Tây Bắc. Trong 3 tuần tiếp theo, USS Halibut thả xuống đáy biển tàu thăm dò không người lái Trieste II, trang bị máy dò sonar thủy âm. Với 20 ngàn bức ảnh do Trieste II chụp cận cảnh tàu K-129, DIA biết rằng K-129 vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có khoang động cơ phía sau đuôi bị vỡ. Bên cạnh đó, qua những bức ảnh, DIA nhìn thấy một tên lửa SS-N-5 mang đầu đạn hạt nhân R-21 nằm nghiêng ra ngoài. Theo DIA, việc lấy quả tên lửa này hoàn toàn có thể thực hiện được. Về sau, một tướng lĩnh Hải quân Liên Xô thừa nhận rằng thời điểm xảy ra vụ tàu K-129 mất tích, các kỹ thuật thăm dò của họ không thể sánh bằng người Mỹ.

DỰ ÁN AZORIAN

Cuối năm 1968, việc trục vớt tàu K-129 được Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức phê duyệt. Nó được gọi là “Dự án Azorian” với sự tham gia của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ DIA và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA. Trong suốt những năm từ 1970 đến 1974, hãng Lockheed bí mật chế tạo một thiết bị đặc biệt, đặt tên là Skunk Works, gồm một giàn chân đế với 2 bộ móng vuốt khổng lồ. Theo kế hoạch, khi giàn Skunk Works hạ xuống đáy biển, 2 bộ móng vuốt sẽ quắp lấy tàu ngầm K-129 rồi đưa nó lên. Để che mắt Liên Xô, một màn kịch được cả DIA lẫn CIA đạo diễn bằng cách thuê một chiếc tàu chuyên dùng thăm dò quặng măng gan là tàu Glomar Explorer. Ở đáy tàu Glomar, các kỹ sư của hãng Lockheed lắp thêm 2 cánh, cố định bằng 2 phao nổi, hình dạng như 2 chiếc tàu ngầm để nâng cao thân tàu, tạo ra một khoảng trống đồng thời cũng ở đáy tàu, họ còn mở một cửa sổ lớn hình chữ nhật. Khi Skunk Works “quắp” K-129 lên khỏi mặt nước, nó sẽ được đưa vào bụng tàu Glomar Explorer qua cửa sổ này. CIA gọi đó là “Hồ bơi mặt trăng”.

Ngày 20/6/1974, chiếc Glomar Explorer khởi hành từ Long Beach, bang California, Mỹ, đến nơi tàu K-129 chìm với danh nghĩa “khai thác măng gan”. Trên vùng biển Bắc Thái Bình Dương, nó bị tàu Chazhma và tàu SB-10 của Hải quân Liên Xô bám đuôi, chưa kể một trực thăng Liên Xô nhiều lần chụp hình nó. Tuy nhiên, với chiến thuật ngụy trang quá hoàn hảo cộng với các thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phía Liên Xô đã bị đánh lừa. Họ tin rằng nó chỉ là một tàu thăm dò khoáng sản vô hại.

VŨ CAO

(Theo History)

.
.
.