.

Bị bắn chìm chỉ vì cái phòng vệ sinh!

Cập nhật: 06:45, 11/10/2019 (GMT+7)

10 giờ sáng ngày 14/4/1945, một phi đội máy bay chiến đấu cùng 4 khu trục hạm và 2 tàu săn ngầm của quân đội Anh phát hiện một tàu ngầm Đức quốc xã số hiệu U-1206, lúc ấy đang nổi lên mặt nước và chỉ cách bờ biển Scotland 8 hải lý. Khoảng 20 phút sau, do phải hứng chịu hàng loạt đạn và ngư lôi chống ngầm, chiếc U-1206 chìm xuống đáy biển mà nguyên nhân chỉ vì cái… phòng vệ sinh!

Chiếc U-1206 lúc hạ thủy.
Chiếc U-1206 lúc hạ thủy.

LAI LỊCH MỘT CON TÀU

Được đóng bởi Công ty Schichau-Werke, Đức, tàu ngầm U-1206 hạ thủy ngày 12/6/1943 tại thành phố cảng Danzig, Đức. Sau hơn 1 năm huấn luyện, tháng 7/1944 nó trực thuộc Đội đặc nhiệm U-Boat số 11 dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt cùng thủy thủ đoàn 49 người. Nhiệm vụ của U-1206 là săn lùng, tiêu diệt các tàu của quân Đồng minh trên một vùng biển diện tích 20.000km2 xung quanh nước Anh và Pháp.

Ngày 6/4/1945, chiếc U-1206 từ cảng Kristiansand, Na Uy, tiến ra Đại Tây Dương. Không gian chật hẹp, lại thêm mùi dầu diesel, mùi mồ hôi nên cuộc sống của 50 con người trên chiếc U-1206 rất ngột ngạt. Tuy nhiên, điều phiền toái nhất là cả tàu chỉ có 2 phòng vệ sinh nhưng 1 phòng lại nằm cạnh nhà bếp, và bị trưng dụng làm kho chứa thực phẩm tạm thời nên ngày nào cũng vậy, thủy thủ đoàn phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Erich Dieter, thợ máy của chiếc U-1206 nhớ lại: “Có người “nhịn” không nổi, họ tìm một chiếc hộp sắt đựng bánh táo đã ăn hết rồi “đi” vào đó. Thấy vậy, những người khác bắt chước làm theo. Và mặc dù họ che đậy rất kỹ nhưng cái mùi của nó vẫn nồng nặc. Chỉ đến lúc tàu nổi lên mặt nước để sạc ắc quy, các chất thải ấy mới được giải quyết…”.

Thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt.
Thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt.

Khác với những loại tàu ngầm Anh, Mỹ, chất thải được đưa vào bể kín tự hoại thì ở tàu ngầm Đức, nhằm tiết kiệm không gian để lắp đặt thêm các thiết bị khác, họ không dùng bể kín tự hoại mà chất thải được xả thẳng ra biển. Tuy nhiên việc xả thẳng ra biển chỉ có thể thực hiện khi tàu đang nổi trên mặt nước, còn khi tàu lặn xuống, dưới áp suất của nước, việc này hoàn toàn bất khả thi.

Để khắc phục tình trạng ấy, các kỹ sư Đức đã nghiên cứu và thiết kế một hệ thống thoát chất thải ra biển ngay cả khi đang lặn ở độ sâu 80m. Vẫn thợ máy Erich Dieter cho biết: “Nó vận hành khá phức tạp với 4 cái van. Lúc bắt đầu “đi”, bạn phải xoay van này, vặn van kia rồi lúc “đi” xong, bạn lại phải mở và đóng thêm 2 van nữa. Điều đáng nói là lẽ ra trước khi lên đường, tất cả thủy thủ đoàn phải được tập huấn cách sử dụng phòng vệ sinh nhưng chẳng ai dạy chúng tôi. Thay vào đó, nó lại nằm trong cuốn sách hướng dẫn các chi tiết kỹ thuật trên tàu, có đọc cũng rất khó hiểu bởi nó toàn những từ chuyên môn. Thế nên chúng tôi vẫn cứ phải “đi” vào xô, chậu, vỏ đồ hộp…”.

CHỈ TẠI CÁI… PHÒNG VỆ SINH!!

Sáng 14/4/1945, sau 8 ngày ngang dọc trong vùng biển giữa nước Anh và Pháp, thuyền trưởng Schlitt cho tàu lặn ở độ sâu 60m rồi tiến vào cảng Peterhead, Scotland, Anh Quốc vì qua kính tiềm vọng, ông nhìn thấy một số tàu Đồng minh đang neo tại cảng.

Lúc này, một sĩ quan phụ trách phóng ngư lôi do không “nhịn” nổi, mà xô, chậu, thùng, cũng chẳng thấy nên anh ta đành phải vào phòng vệ sinh. Do không hiểu các từ chuyên môn trong cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật nên sau khi “đi” xong, anh ta la lớn, gọi kỹ sư cơ khí nhờ mở giúp các van xả chất thải ra biển.

Tuy nhiên, một thao tác sai lầm của người kỹ sư cơ khí đã khiến chất thải trong bồn chứa thay vì được hệ thống khí nén bơm ra biển - nhưng do van thoát lại được mở trước nên nước biển ồ ạt tràn vào. Hậu quả là khu vực chứa các ắc quy chì dùng để chạy động cơ điện nằm ngay dưới phòng vệ sinh bị ngập. Muối trong nước biển nhanh chóng xúc tác với axit trong ắc quy, sinh ra khí Clo. Thuyền trưởng Schlitt nhớ lại: “Tôi đang ở trong phòng chỉ huy thì được tin báo sự cố. Nhiều thủy thủ ở buồng động cơ bị cay mắt, ho và ngạt thở. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải ra lệnh báo động chiến đấu rồi cho tàu nổi lên mặt nước để làm sạch khí độc”.

9 giờ 40 phút sáng 14/4/1945, chiếc U-1206 xuất hiện giữa những con sóng bạc đầu. Phần lớn thủy thủ trèo lên mặt boong, há miệng hít thở làn không khí mát lạnh mà không hề biết rằng ở trên trời, sau những đám mây, máy bay Anh Quốc đã nhìn thấy họ. Chỉ khoảng 5 phút, những chiếc Spitfire đầu tiên nhào xuống với những loạt đạn bắn ra bởi hai khẩu súng máy ở hai bên cánh, giết chết 3 thủy thủ còn những loạt sau, nó khiến thân tàu thủng lỗ chỗ. Chưa hết, một tàu săn ngầm Anh Quốc gần đó phóng một quả ngư lôi vào đuôi chiếc U-1206 khiến nó nghiêng về một bên, nước ào ạt tràn vào. Đòn trí mạng của U-1206 là 2 quả bom từ một chiếc máy bay săn ngầm thả xuống, trúng vào buồng động cơ.

Biết rằng không còn có thể lặn để thoát thân được nữa nên thuyền trưởng Schlitt ra lệnh bỏ tàu. 36 thủy thủ trên các xuồng cứu sinh bị một khu trục hạm của Anh bắt sống, 10 người khác bơi được vào bờ nhưng cũng bị bắt, trong đó có thuyền trưởng Schlitt.

Tháng 9/1981, người Anh trục vớt tàu U-1206 để mở rộng lối vào cảng Peterhead. Năm 2001, thuyền trưởng Schlitt đến Scotland, thăm lại con tàu cũ. Và mặc dù Schlitt chưa bao giờ thừa nhận chiếc U-1206 bị bắn chìm chỉ vì cái “toa lét” nhưng ông đồng ý rằng phòng vệ sinh trên tàu quả là… có vấn đề!

VŨ CAO

(Theo History - Sunk by a Toilet)

.
.
.