.
CUỘC CHIẾN TÂM LINH GIỮA CÁC CƠ QUAN TÌNH BÁO

Kỳ cuối: Những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Cập nhật: 08:33, 20/09/2019 (GMT+7)

Trưa ngày 11/6/1977 tại Maxcơva, thủ đô Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô), Robert Charles Toth, phóng viên của tờ báo Mỹ Los Angeles Times bị bắt khi vừa nhận một chiếc cặp từ tay nhà Sinh lý học người Nga Valery G.Petukhov với cáo buộc: “Cố ý chiếm đoạt tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia”…

Ratnikov, một trong những nhà ngoại cảm nổi tiếng thuộc “Cục Đặc biệt số 8”.
Ratnikov, một trong những nhà ngoại cảm nổi tiếng thuộc “Cục Đặc biệt số 8”.

1. Trong chiếc cặp Valery G. Petukhov đưa cho Toth, có hơn 20 tờ giấy đánh máy cùng các biểu đồ và những hình ảnh đối chứng, nhìn y hệt như một đề tài khoa học viết về một vấn đề phức tạp. Trả lời câu hỏi của một cán bộ KGB phụ trách thẩm vấn, Toth nói: “Đây chỉ là một bài báo và người đưa cho tôi nhờ tôi dịch nó sang tiếng Anh rồi đăng trên tờ báo của chúng tôi”.

Là phóng viên phụ trách mảng khoa học kỹ thuật của tờ Los Angeles Times, lần đầu tiên Toth gặp Petukhov - lúc ấy là Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh học, Vật lý, thuộc Viện kiểm tra Nhà nước về nghiên cứu Y, Sinh học tại Moscow vào giữa tháng 2/1977. Trong cuộc gặp, Petukhov đã kể cho Toth nghe về một phát hiện của mình: Đó là trong quá trình phân chia tế bào ở cơ thể người, nó sẽ sản sinh ra những hạt bức xạ có khả năng mang theo thông tin. Đây chính là cơ sở để giải thích hiện tượng “thần giao cách cảm”, “thấu thị”.

Đầu tháng 6/1977, Petukhov điện thoại cho Toth. Ông cho biết thí nghiệm của ông đã thành công và ông đã mô tả trong một báo cáo khoa học chính thức. Tuy nhiên, báo chí Xô Viết chắc chắn sẽ từ chối công bố công trình này nên ông muốn dịch bài báo sang tiếng Anh để Toth đăng tải trên tờ Los Angeles Times.

Một ngày sau khi bị bắt, một sĩ quan KGB tên là Sparkin và một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Khoa học Liên Xô là giáo sư I.M Mikhailov trực tiếp thẩm vấn Toth. Theo giáo sư Mikhailov, nội dung tài liệu của Petukhov bao gồm việc phân tích các hạt bức xạ sinh ra trong quá trình phân chia tế bào và các hạt này là căn cứ để xác định tính dẫn truyền thông tin cơ bản - là nguồn gốc của hiện tượng thần giao cách cảm, ngoại cảm, thấu thị. Cuối cùng, Mikhailov kết luận: “Đây là loại vật liệu bí mật, đang được thực hiện ở một số viện nghiên cứu khoa học của nhà nước Liên Xô”.

Sau nhiều ngày thẩm vấn, KGB nhận ra anh chàng phóng viên Toth chẳng liên quan gì đến việc “chiếm đoạt tài liệu mật”. Cuối cùng Đại sứ quán Mỹ ở Moscow nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Liên Xô, rằng Toth có thể trở về Mỹ. Rất nhanh chóng, Toth leo lên chuyến bay đầu tiên của ngày hôm sau trong lúc ở Mỹ, các tờ báo lớn như Washington Post, The New York Times, Los Angeles Times…, đua nhau đưa lên trang nhất về “sự cố” này.

Nghiên cứu điện não của một nhà ngoại cảm khi người này truyền tin bằng tư tưởng.
Nghiên cứu điện não của một nhà ngoại cảm khi người này truyền tin bằng tư tưởng.

2. Robert Charles Toth chỉ vô tình trở thành “oan gia” bởi lẽ trước đó, chính quyền Xô Viết với nhiều mức độ khác nhau, đã phủ nhận rằng “thấu thị, ngoại cảm, thần giao cách cảm” không được nghiên cứu ở Liên Xô vì nó đi ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, từ những năm cuối thập niên 60 thế kỷ trước, các nhà phân tích tình báo Mỹ đã nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của KGB với các chương trình thần giao cách cảm mà mà Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ đang tiến hành và việc bắt giữ nhà báo Toth vô hình trung tiết lộ ra rằng KGB cũng đang theo đuổi những mục tiêu tương tự. Các hồ sơ giải mật sau ngày Liên Xô tan rã cho thấy một trong những mục tiêu chính của “Cục 8” vẫn là truyền tin cho nhau mà không cần đến bất kỳ một thiết bị nào. Những vụ án gián điệp xảy ra trên thế giới đã chứng minh rằng hầu hết các điệp viên hoạt động trong lòng các quốc gia đối nghịch đều bị phát hiện bởi những cách thức mà họ dùng để liên lạc với nhau hay với cấp chỉ huy. Vì thế, nếu đạt được thành công trong lĩnh vực “thần giao cách cảm”, nguy cơ này sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.

Tháng 10/1978, KGB cho khôi phục Phòng thí nghiệm phát thanh, điện tử và truyền thông Popov (vốn trực thuộc Viện khoa học kỹ thuật Maxcơva, đã tạm ngưng hoạt động trước đó) dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Yuri Kobzarev để thực hiện các nghiên cứu về ngoại cảm dưới tên gọi “giao tiếp sinh học”. Trong số các nghiên cứu mà Viện Popov công bố là cặp vợ chồng Yuri Korabelnikov và Ludmilla Tishchenko Korabelnikova. Bằng cách đặt các hình học toán học trong một phong bì dán kín, hai vợ chồng gọi tên chính xác 70% các hình học ấy trong lúc dự kiến họ chỉ nói chính xác được khoảng 20%.

3. Sau khi Liên Xô và các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa tan rã, Cơ quan an ninh KGB giải tán, các đơn vị nghiên cứu về thần giao cách cảm cũng lặng lẽ biến vào bóng tối. Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, những thử nghiệm tâm linh của cả Mỹ lẫn Liên Xô chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò, tìm hiểu qua hiện tượng “biết trước” hoặc “nghe từ xa”. Chưa hề có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy nó đã được áp dụng trong lĩnh vực quân sự hoặc tình báo và mang lại thành công. Tiến sĩ cận tâm lý David Hammer thuộc Đại học Havard, Mỹ, nói: “Tuy vậy, nó đã là tiền đề cho những phát kiến về sau này, chẳng hạn như việc truyền tin bằng “hạt ánh sáng” mà hiện tại, cáp quang là một thí dụ cụ thể…”.

Vì thế, “thần giao cách cảm, ngoại cảm, thấu thị” có đúng như lời đồn đại hay không? Và ai là người có thể thực hiện kỹ thuật tâm linh này một cách hoàn hảo vẫn còn là một câu hỏi lớn.

VŨ CAO (Theo Psychic Wariors)

.
.
.