.

Thị trường dầu mỏ đứng trước nguy cơ khủng hoảng

Cập nhật: 18:52, 13/08/2019 (GMT+7)

Theo đánh giá của báo Le Monde (Pháp), thị trường dầu mỏ thế giới hiện đang bên bờ vực khủng hoảng, trong bối cảnh những căng thẳng thời gian qua ở Eo biển Hormuz chưa có tác động đủ mạnh để đẩy giá dầu đi lên và “vàng đen” đang chịu sức ép xuống giá do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Đường ống dẫn dầu tại cơ sở lọc dầu Arak (tỉnh Homs, Syria).
Đường ống dẫn dầu tại cơ sở lọc dầu Arak (tỉnh Homs, Syria).

Trong 3 tháng qua, các vụ va chạm trên Eo biển Hormuz, tuyến đường biển chuyên chở gần 20% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới, đã không làm thay đổi đáng kể thị trường dầu mỏ toàn cầu. Thậm chí, để đẩy giá dầu lên cao, OPEC và Nga đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Thế nhưng, thị trường “vàng đen” dường như vẫn đi theo quỹ đạo xuống dốc. Kể từ đầu mùa Hè, giá dầu vẫn chỉ dao động trong khoảng 57-65 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày 12/8 tại thị trường London, giá dầu Brent được giao dịch trong khoảng 58 USD/thùng, mức thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nước xuất khẩu dầu chủ chốt trên thế giới như Saudi Arabia.

Le Monde dẫn nhận định của nhà phân tích Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), cho rằng những gì đang xảy ra trên vùng biển Hormuz kể từ tháng 5/2019 cũng có phần nào tác động đến giá dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi khác, trong đó có hai yếu tố then chốt có ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Thứ nhất là việc Mỹ tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), chỉ tính trong tháng 5/2019, sản lượng khai thác của Mỹ đã đạt 12,1 triệu thùng/ngày, tăng hơn 1,7 triệu thùng so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động với Trung Quốc có nguy cơ đe dọa đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và cơn khát “vàng đen” là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu.

Bên cạnh hai yếu tố trên, thị trường dầu mỏ thế giới cũng chịu tác động từ yếu tố địa chính trị. Nếu nguy cơ xung đột giữa Iran và Mỹ gia tăng, khía cạnh địa chính trị có thể là yếu tố chính và đẩy giá dầu tăng trở lại.

Trong bối cảnh đó, các công ty dầu lớn trên thế giới đang rất thận trọng. Tuy nhiên, dù thị trường “vàng đen” có biến động thì các công ty này vẫn ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý 2/2019.

Tháng 7/2019, tập đoàn ExxonMobil thông báo đạt lợi nhuận ròng 3,1 tỷ USD trong quý 2. Trong quý này, các công ty khác cũng ghi nhận lợi nhuận khởi sắc, như Chevron đạt lợi nhuận 4,3 tỷ USD, Shell gần 3 tỷ, Total 2,8 tỷ và BP 1,8 tỷ USD.

TOÀN TRÍ

.
.
.