.

Nhật Bản công bố dự luật sửa đổi loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng"

Cập nhật: 17:48, 07/08/2019 (GMT+7)

Ngày 7/8, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố dự luật sửa đổi, loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy, sau khi Nội các Nhật Bản phê chuẩn văn kiện này tuần trước. Văn kiện sẽ có hiệu lực từ ngày 28/8 tới.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Nguồn AFP)
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. (Nguồn AFP)

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nước gia tăng, ngày 2/8 vừa qua, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê chuẩn loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy. Theo đó, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt từng đơn hàng. Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định các đơn hàng xuất khẩu. Động thái trên của Nhật Bản có thể sẽ khiến hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc bị trì hoãn và tác động nghiêm trọng tới các ngành công nghệ Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào vật liệu của Nhật Bản. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki tuyên bố biết nước này cũng sẽ loại Nhật Bản ra khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy của Hàn Quốc.

Quan hệ giữa Seoul và Tokyo gia tăng căng thẳng kể từ khi Nhật Bản hồi tháng trước siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Seoul cho rằng đây là động thái trả đũa của Tokyo trong bối cảnh 2 nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến. Phía Nhật Bản bác bỏ các phán quyết trên, cho rằng tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo thỏa thuận giữa 2 chính phủ năm 1965 khi 2 nước bình thường hóa quan hệ.

NGUYỄN HÙNG

.
.
.