Màn kịch đánh lừa vĩ đại nhất lịch sử - Kỳ cuối: Chiến dịch Mincemeat
Tiến hành Chiến dịch Mincemeat, việc đầu tiên của Chuẩn Đô đốc John Godfrey, chỉ huy Cơ quan Tình báo Hải quân Hoàng gia Anh là phải tìm ra một xác chết “không thể nhận diện được” bởi theo nhiều nguồn tin, một số điệp viên Đức đã nằm vùng và hoạt động ở nước Anh ngay từ trước chiến tranh. Khi người Tây Ban Nha phát hiện xác chết, họ sẽ báo cho phía Đức và điệp viên Đức ở Anh Quốc sẽ tiến hành xác minh lai lịch nạn nhân. Vì thế, một sai sót nhỏ cũng có thể khiến màn kịch đánh lừa bị phá sản…
Xác “đại úy Martin” được thả xuống biển. |
ĐẠI ÚY WILLIAM MARTIN
Đầu tháng 1/1943, sau khi thành công trong việc đánh lừa 2 sư đoàn xe tăng Đức Quốc xã ở Alam el Halfa và lá thư giả mạo của tướng Clack do “trung úy James Hadden Turner” mang theo trên chiếc máy bay Lancaster bị rơi ở Cadiz, Chuẩn Đô đốc John Godfrey, chỉ huy Cơ quan Tình báo Hải quân Hoàng gia Anh quyết định khởi động Chiến dịch Mincemeat. Người trực tiếp thực hiện là đại úy Không quân Hoàng gia Anh Cholmondeley và đồng thời cũng là sĩ quan phản gián của Cơ quan Tình báo MI5.
Sau nhiều ngày tiến hành tìm kiếm, với sự phối hợp của nhà bệnh lý học là bác sĩ Bernard Spilsbury và bác sĩ pháp y Bentley, Cholmondeley tìm được trong nhà xác một tử thi tên Glyndvr Michael, 36 tuổi, sống lang thang, không nơi cư trú nhất định, tử vong do ăn phải thịt chuột ngộ độc phosphor. Theo bác sĩ Bentley, lượng phosphor phân bổ trong cơ thể tử thi quá ít để có thể xét nghiệm, nhất là nếu nó được ngâm nước nhiều ngày. Tuy nhiên, Bentley lưu ý rằng xác Michael chỉ có thể bảo quản ở nhiệt độ 40C trong 3 tháng. Nếu không sử dụng, một số mô sẽ phân hủy và sẽ bị phát hiện dù có ngụy tạo là chết đuối.
Ngày 4/2/1943, đại úy Cholmondeley nộp bản kế hoạch Chiến dịch Mincemeat lên cho Chuẩn Đô đốc John Godfrey phê duyệt. Theo kế hoạch này, xác Michael sẽ trở thành đại úy William Martin, công tác tại Cục Tình báo Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh. Song song với những việc đó, các tài liệu ngụy tạo khác như hóa đơn mua nhẫn đính hôn, mua quần áo, hóa đơn đòi nợ ngân hàng… đều do chính nơi phát hành in ra. Riêng 2 lá thư tình của Pam Delilah thì tác giả là Jean Leslie, thuộc Cơ quan Tình báo Anh quốc MI5, ngụy trang dưới lớp vỏ nhân viên cửa hàng bách hóa trên phố Bond, London. Như vậy, nếu điệp viên Đức tiến hành xác minh, họ sẽ biết cô Pam, người yêu của đại úy William Martin là có thật! Tất cả thư đều viết bằng loại mực chậm phai khi bị nhúng nước, kể cả thư của tướng Archibald Nye, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh, gửi tướng Harold Alexander, Tư lệnh liên quân Anh, Mỹ ở Algeria và Tunisia. Riêng thư của cha Martin, để tăng thêm tính “thật”, nó viết bằng loại mực phai nhanh hơn nhưng vẫn đọc được.
Cái khó nhất trong Chiến dịch Mincemeat là hình chân dung của “đại úy Martin” để dán vào chứng minh thư sĩ quan vì Michael đã chết nên không thể chụp mặt người chết. Cuối cùng, Cholmondeley tìm được đại úy Ronie Reed, cũng thuộc MI5, có hình dạng gần giống Michael. Sau khi chứng minh thư được làm xong, Cholmondeley ngâm nó vào cà phê loãng rồi chà xát nhiều lần lên một tấm vải nhằm làm cho nó cũ đi. Riêng với bộ quân phục sĩ quan - kể cả quần áo lót, Cholmondeley yêu cầu bộ phận quân nhu cung cấp cho ông loại hàng sản xuất năm 1940, đã mặc rồi nhưng còn tốt, thu lại trong các đợt lính Anh đổi quân phục cũ lấy quân phục mới.
Trong khi Cholmondeley tiến hành các công đoạn biến Michael thành đại úy Martin, 2 tàu ngầm Hải quân Anh thực hiện việc đo thủy triều và dòng chảy của các luồng hải lưu để bảo đảm rằng khi xác Martin thả xuống, nó sẽ trôi vào đúng vị trí cần thiết. Cuối cùng, họ chọn được bờ biển Huelva, phía nam Tây Ban Nha, nơi có Francis Haselden, nhân viên tình báo Đức hoạt động dưới vỏ bọc kỹ sư nông nghiệp.
THẢ MỒI
Ngày 19/4, chiếc tàu ngầm HMS Seraph của Hải quân Anh Quốc xuất phát từ cảng Greenook, miền Tây Scotland với một chiếc thùng được thiết kế đặc biệt chứa đầy băng khô để giữ cho xác “đại úy Martin” tươi như vừa mới chết. Trên đường đi, nó bị máy bay săn ngầm Đức Quốc xã thả bom chìm 2 lần nhưng may mắn là không hề hấn gì. Đến ngày 26, bác sĩ pháp y Bentley thay băng khô bằng nước biển rồi bơm nước biển vào phổi để chứng tỏ cái chết của “đại úy Martin” là do đuối nước. Cũng trong ngày 26, Không quân Hoàng gia Anh phát đi một bản tin, yêu cầu tất cả các tàu hải quân và máy bay Đồng minh đang hoạt động trên vùng biển giữa Anh, Pháp và Tây Ban Nha, chú ý tìm kiếm một máy bay vận tải Avro York bị mất tích. Bản tin này được tình báo Đức thu lại nhưng lúc ấy, mỗi ngày có cả chục máy bay của các phe tham chiến bị bắn rơi nên họ không quan tâm. Chỉ đến khi tìm thấy xác “đại úy Martin”, tình báo Đức mới nhận ra sự trùng khớp, góp phần tạo cho vở kịch đánh lừa của tình báo Anh thêm hoàn hảo.
4 giờ 15 phút sáng ngày 30/4, chiếc Seraph nổi lên mặt nước, cách bờ biển Huelva 20km. Trước khi thả “đại úy Martin” xuống biển, trung úy Bill Jewell kiểm tra lại quần áo và các vật dụng mang theo xác lần cuối cùng. Theo tính toán, với tốc độ chảy của dòng hải lưu, chỉ khoảng 4 đến 5 tiếng, xác “đại úy” Martin” sẽ dạt vào bờ biển Huelva. Cũng ngày này, Thủ tướng Anh quốc Winston Churchill gửi cho tướng Eisenhower, Tư lệnh tối cao quân Đồng minh ở châu Âu một bức điện mật, nói về Chiến dịch Mincemeat, đồng thời đề nghị quân Đồng minh tiến đánh đảo Sicily, Italia, làm bàn đạp giải phóng Italia nếu vở kịch đánh lừa thành công.
Mọi sự diễn ra như dự tính, sau khi tình báo Đức thu thập các thông tin cần thiết trên xác “đại úy Martin”, vì là quốc gia trung lập nên ngày 11/5/1943, Tây Ban Nha trao trả cho nước Anh thi thể Martin. Bằng biện pháp nghiệp vụ, MI5 biết rằng các lá thư đã được mở ra nhiều lần. Để vở kịch đánh lừa thêm hoàn hảo, quân đội Anh vinh thăng Martin lên thiếu tá, đồng thời làm như vô tình rò rỉ thông tin cho Fracis Haselden, nhân viên tình báo Đức hoạt động dưới vỏ bọc kỹ sư nông nghiệp ở Huelva rằng sau khi kiểm tra, xác đại úy Martin cùng các đồ vật cá nhân không có dấu hiệu bị xâm phạm.
Đến ngày 14/5, MI5 chơi tiếp một đòn nữa: Trên tờ báo uy tín nhất nước Anh hồi ấy là tờ Times, MI5 cho đăng một mẩu tin - lấy danh nghĩa những người lính Thủy quân lục chiến, đồng ngũ với Martin, chia buồn vì cái chết của Martin do tai nạn máy bay.
Cũng ngày 14/5, Hitler gặp Đô đốc Hải quân Đức Quốc xã Donitz. Trong buổi gặp, ông trùm Quốc xã không dấu vẻ tự hào khi thông báo với Donitz rằng ông ta đã nắm được một tài liệu vô giá, chứng minh quân Anh và Đồng minh sẽ tiến đánh Hy Lạp và Sardinia.
Ngày 21/5, Hitler ra lệnh cho sư đoàn xe tăng số 1, 7 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn không quân tiêm kích từ Pháp đến Hy Lạp, 2 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn bộ binh cùng 1 sư đoàn không quân tiêm kích khác từ Sycily đến Sardina. Bên cạnh đó, Hitler còn yêu cầu Đô đốc Donitz điều thêm 50 tàu phóng ngư lôi từ đảo Sycily đến Hy Lạp, nâng quân số Đức Quốc xã ở hai nơi này lên đến 18 sư đoàn.
Ngày 9/7/1943, 160.000 quân Đồng minh chiếm đảo Sycily mà không gặp một sự kháng cự nào đáng kể. Thành công này phần lớn nhờ vào “Đại úy Martin” nhưng trên bia mộ của ông chỉ có dòng chữ: “William Martin, sinh ngày 29/3/1907, qua đời ngày 26/4/1943”. Mãi đến năm 1998, Chính phủ Anh mới cho khắc thêm dòng chữ: “Glyndwr Michael, người đã từng là thiếu tá William Martin”.
VŨ CAO
(Theo History - Operation Mincemeat)