.

Những bí ẩn xung quanh vụ vượt ngục Alcatraz -Kỳ cuối: Tan vào hư vô

Cập nhật: 09:23, 21/06/2019 (GMT+7)

9 giờ tối ngày 11/6/1962, sau khi quản giáo điểm danh tù nhân lần cuối cùng trong ngày và đèn ở các buồng giam cũng đã tắt, Morris gõ vào tường để báo hiệu cho John Anglin biết giờ hành động bắt đầu. Cũng bằng hình thức ấy, John báo cho Clarence rồi Clarence báo cho West. 

Tiến hành thực nghiệm tại hiện trường, FBI kết luận 9 giờ 30 phút là thời gian lúc nhóm vượt ngục chui vào lỗ thông gió sau khi đã đặt những hình nộm lên giường để ngụy trang…

Chân dung của Morris, John và Clarence trước lúc vượt ngục và 20 năm sau do bộ phận nhận dạng của FBI  mô tả trong lệnh truy nã bổ sung.
Chân dung của Morris, John và Clarence trước lúc vượt ngục và 20 năm sau do bộ phận nhận dạng của FBI mô tả trong lệnh truy nã bổ sung.

TRỐN THOÁT

Mất khoảng 15 phút, cả nhóm vượt ngục vào được ống thông gió chính. Trong lòng ống có một cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi đặt cửa hút gió. Tuy nhiên, khi chuẩn bị leo lên cầu thang thì Allen Clayton West bỗng nhiên giở quẻ! Anh ta không muốn trốn nữa. Sau này West kể: “Nhìn mặt Morris, tôi biết anh ta có ý giết tôi để bịt đầu mối. Vì thế, tôi phải đem sinh mạng của cha mẹ tôi ra thề rằng tôi sẽ im lặng khi quay lại buồng giam”.

Mất thêm nửa tiếng nữa, Morris và anh em Anglin mới từ sân thượng xuống được mái nhà của các buồng giam bằng cách bám theo đường ống dẫn nước cao 30m. Sau đó, vẫn theo đường ống dẫn nước cao 15m, họ tụt xuống mặt đất rồi vượt qua 2 lớp hàng rào thép gai cao 3,7m. Cuối cùng, họ đến chiếc tháp đặt bồn chứa nước nằm cạnh bờ biển. Tại đây, họ giở chiếc bè ra rồi dùng bầu hơi của cây đàn Acordion mà John Anglin đã tháo ra từ trước, bơm căng chiếc bè. Theo kế hoạch, nhóm vượt ngục dùng bè đến đảo Angel, cách nhà tù Alcatraz 16km. Để tránh dòng hải lưu chảy rất mạnh, họ vòng lại vịnh ở phía đối diện Alcatraz rồi vượt qua eo biển Raccon để cập bờ thuộc quận Marin. Khi đã lên bờ, họ sẽ tìm cách ăn cắp một chiếc xe hơi, đột nhập một cửa hàng quần áo để lấy trang phục rồi chia tay, ai đi đường nấy.

7 giờ 15 phút sáng 12/6/1962, vụ vượt ngục bị phát hiện khi các quản giáo tiến hành điểm danh từ nhân như mọi ngày. Lệnh báo động đỏ lập tức được ban hành và việc mở cửa cho tù nhân ra lao động ở các xưởng làm găng tay, xưởng đồ gỗ, xưởng cơ khí bị hủy bỏ. Ngay cả bộ phận tù nhân làm bếp, giặt quần áo cũng phải ngồi im trong buồng giam. Trong quá trình khám xét, chẳng khó khăn gì để tìm ra kẻ đồng lõa là West vì anh ta không thể nào làm cho cái lỗ đã đào ở phía sau tấm lưới sắt che cửa thông gió trở lại hình dạng như cũ. Theo lời khai của West, FBI nắm được con đường đào thoát,  kế hoạch trộm xe, trộm quần áo của Morris và anh em Anglin.

8 giờ sáng, 12 tàu tuần duyên của cảnh sát biển California và 3 trực thăng tiến hành tìm kiếm trên vùng nước xung quanh nhà tù Alcatraz, kéo dài cho đến vịnh San Francisco. Mặt khác, FBI vừa phát hành lệnh truy nã đỏ, vừa bí mật giám sát nơi ở các thân nhân của Morris, John và Clarence. Đến ngày 14/6, trực thăng phát hiện 1 tấm gỗ có xuất xứ từ những kiện hàng vật tư của công ty sản xuất găng tay gửi đến nhà tù để gia công. Theo suy luận của FBI, nhóm vượt ngục dùng tấm gỗ ấy làm chỗ ngồi trên bè. Cũng trong ngày này, các thủy thủ trên một tàu đánh cá vớt được 1 chiếc ví, bên trong có hình ảnh, tên và địa chỉ một số người thân của John Anglin. 

Ngày 21/6, FBI thu được những mảnh áo mưa, dạt vào bờ biển không xa cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Đến chiều, 1 chiếc thuyền của nhà tù Alcatraz tìm thấy một phao nhỏ làm từ áo mưa cách Alcatraz 46m nhưng những kẻ vượt ngục thì vẫn bặt vô âm tín. Theo FBI, rất có thể Morris và anh em Anglin đã chết bởi nhiệt độ nước biển lúc đó rất lạnh, chỉ 7 độ. Các thực nghiệm tại hiện trường cho thấy với các thiết bị tương tự như của nhóm vượt ngục, những người tham gia thực nghiệm đều bị dòng hải lưu cuốn ra Thái Bình Dương rồi kiệt sức vì ướt và lạnh. Luận cứ này càng được củng cố vì ngày 17/7/1962, một tàu chở hàng của Na Uy là chiếc SS Norefjell trên đường đi Canada đã nhìn thấy một thi thể nổi trên mặt nước cách cầu Cổng Vàng 32km về phía tây bắc. Theo các thủy thủ, thi thể mặc chiếc quần dài bằng vải Denim - là loại vải thường dùng để may y phục cho tù nhân nhưng khi tiến hành vớt xác rồi nhận dạng thì đó là xác của Cecil Phillip Herman, một thợ làm bánh 34 tuổi, thất nghiệp, đã nhảy cầu Cổng Vàng tự tử. Bên cạnh đó, suốt một tháng sau vụ vượt ngục, không có bất kỳ một chiếc ô tô và tiệm quần áo nào ở San Francisco và các vùng phụ cận xảy ra  trộm cắp nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nhóm vượt ngục đã dựng hiện trường giả là bị chết đuối nhằm đánh lạc hướng điều tra của FBI.

NHỮNG DẤU VẾT CUỐI CÙNG

Tháng 1/1965, một thông tin gửi đến FBI cho biết Clarence Anglin hiện đang sống ở Brazil nhưng theo các đặc vụ, họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của anh ta ở đất nước này. Năm 1967, một tay đua ngựa ở bang Maryland nói với FBI rằng suốt 5 năm qua, ông ta là hàng xóm của Morris nhưng đó cũng chỉ là tin vịt. Chi tiết đáng lưu ý nhất là từ năm 1964, lễ Giáng sinh năm nào gia đình Anglin cũng nhận được một bưu thiếp, khi thì ký tên “Jerry”, khi thì ký “Jerry và Joe” - là tên thường gọi của John Anglin và Clarence Anglin lúc còn bé. Năm 1989, khi cha của anh em nhà Anglin qua đời, trong đám tang có sự xuất hiện của 2 người lạ mặt, để râu, đứng trước quan tài vài phút rồi bỏ đi mất. Tuy nhiên, không thấy một phản ứng nào từ FBI về những thông tin ấy mặc dù lệnh truy nã Morris, John và Clarence vẫn còn hiệu lực.

Ngày 12/1/2018, nghĩa là 56 năm kể từ khi xảy ra vụ vượt ngục Alcatraz, sở cảnh sát TP.San Francisco, bang California bất ngờ công bố trước báo chí một lá thư viết tay của John Anglin, gửi đến đồn cảnh sát TP.Richmont năm 2013. Nội dung bức thư nói rằng kể từ khi trốn thoát, John sống nhiều năm ở TP.Seattle, bang Oregon và 8 năm ở bang North Dakota. Tại thời điểm viết thư, căn cứ trên dấu bưu điện, John được cho là đang sống ở miền Nam Califorina.

Cũng theo bức thư, cả Morris lẫn Clarence đều đã chết vào các năm 2005, 2008: “Tôi là John Anglin, người đã cùng Clarence Anglin và Frank Lee Morris trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz hồi tháng 6/1952. Tôi đã 83 tuổi, thân xác tiều tụy vì mắc phải bệnh ung thư. Nếu quý vị (ý nói cảnh sát) thông báo công khai trên truyền hình rằng tôi sẽ không phải vào tù trở lại và được chăm sóc y tế thì tôi sẽ cho quý vị biết chỗ ở chính xác của tôi. Đây không phải là chuyện để đùa”. Tuy nhiên, kết quả đối chiếu dấu vân tay trên bức thư với vân tay lưu trong hồ sơ của John Anglin được FBI giữ kín nhưng một quan chức của FBI cho biết nó “nửa tin nửa ngờ”.

Theo cảnh sát San Francisco, sau khi nhận được bức thư, cả lực lượng cảnh sát  bang California lẫn FBI đã bỏ ra suốt 5 năm để truy lùng dấu vết của John Anglin nhưng không kết quả và việc họ công bố bức thư cho báo chí là để “mong muốn nhận được bất cứ thông tin nào của tất cả mọi người dân Mỹ có liên quan đến Morris, John và Clarence”. David Widner, cháu của anh em Anglin xác nhận rằng bà ngoại ông (mẹ của John Anglin và Clarence Anglin) đã từng “nhận được những bưu thiếp Giáng sinh của bác John và hoa hồng của bác Clarence nhân ngày sinh nhật”.  Trả lời phỏng vấn của tờ Independent, Widner nói: “Nếu bác John và bác Clarence còn sống, tôi tin rằng họ sẽ không bao giờ lập lại những hành vi đã dẫn họ đến nhà tù như thời còn thanh niên vì   Alcatraz là bài học lớn nhất cuộc đời họ”.

Ngày 21/3/1963, nhà tù Alcatraz chính thức đóng cửa với lý do chi phí điều hành quá đắt. Hiện tại, nó trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cả trong lẫn ngoài nước với những dấu tích của cuộc vượt ngục vô tiền khoáng hậu được giữ nguyên, nhưng số phận của những kẻ vượt ngục thì vẫn còn là bí ẩn…

VŨ CAO

(Theo History-Escape From Alcatraz)

 
.
.
.