.

Châu Âu tìm giải pháp cho rác thải vi nhựa

Cập nhật: 18:13, 13/06/2019 (GMT+7)

Báo cáo về mức độ ô nhiễm nhựa do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố ngày 13/6 cảnh báo, mỗi tuần, mỗi người trong chúng ta có thể đưa vào cơ thể mình một chiếc thẻ ngân hàng (tương đương với 5 gram nhựa). Với so sánh hình ảnh này, có thể thấy rõ tác hại của các hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người đã tới mức báo động đỏ. Vì vậy, WWF một lần nữa kêu gọi “một hành động khẩn cấp của cả thế giới” nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các hạt vi nhựa có thể được tích tụ trong đất, trong bùn, thường được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. Một tỷ lệ không nhỏ các hạt vi nhựa được thải trực tiếp ra các sông, suối, hồ và biển. Do có kích cỡ nhỏ, các hạt vi nhựa và siêu vi nhựa dễ dàng được hấp thu và tiếp theo có thể được tìm thấy trong các chuỗi thực phẩm. Tác động tiềm tàng đối với sức khỏe con người từ các hạt vi nhựa vẫn chưa được các nhà khoa học làm sáng tỏ.

Theo đánh giá của Cơ quan Các sản phẩm hóa học châu Âu (ECHA), nhìn chung, nguy cơ các hạt vi nhựa thải ra môi trường từ các sản phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên EU đã đưa ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa chủ yếu trong sản xuất các mỹ phẩm.

Nghị viện châu Âu hiện đã khuyến nghị Ủy ban châu Âu thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa từ nay tới năm 2020, đồng thời phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá.

ĐỨC HÙNG (TTXVN) 

.
.
.