Khúc mắc lớn nhất trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung là gì?
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì vấn đề lớn nhất: Washington yêu cầu mọi cam kết Bắc Kinh đồng thuận phải được hợp pháp hóa bằng văn bản trong thỏa thuận cuối cùng, thay vì những lời nói đảm bảo.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: AP |
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời Shi Yinhong, cố vấn Quốc vụ viện đồng thời là Giáo sư nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân, nói rằng Washington đang gây sức ép để Trung Quốc có sự thay đổi về mặt cơ cấu, cụ thể như chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước. Về phần mình, Bắc Kinh một mặt cảm thấy rất khó khăn trong việc chấp nhận thay đổi một mặt lại không muốn từ chối yêu cầu một cách quyết liệt.
“Trung Quốc muốn đề nghị một vài nhượng bộ nhỏ hơn, hy vọng Mỹ sẽ chấp thuận. Song Tổng thống Trump sẽ không cho phép điều đó xảy ra”, chuyên gia Shi nhận định. “Mỹ yêu cầu mọi điều khoản Trung Quốc chấp thuận phải được quy định rõ ràng bằng văn bản trong thỏa thuận thương mại. Trung Quốc không đồng tình chuyện đó”.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10-5, Bắc Kinh khẳng định không nhượng bộ thêm nữa đối với Washington.
Một giáo sư tại Viện Khoa học Trung Quốc, đồng thời là một cố vấn cấp cao khác của ban lãnh đạo nước này, cho biết một vài yêu cầu của Mỹ, đặc biệt là yêu cầu hủy hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, sẽ khiến mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc suy yếu.
“Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ mô hình phát triển kinh tế thực hiện lâu nay… và điều này là tự sát. Cân nhắc lợi và hại, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận việc Mỹ tăng mức thuế lên 25%. Trung Quốc sẽ không từ bỏ ưu tiên quan trọng nhất đối với họ chỉ để đánh đổi được một thỏa thuận. Trung Quốc có thể chấp nhận hậu quả và chuẩn bị cho một thất bại không đạt được thỏa thuận”, vị giáo sư trên lý giải.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) dẫn nguồn thạo tin với các cuộc đàm phán cho biết Mỹ coi luật pháp là điều cần thiết để đảm bảo Trung Quốc sẽ thực hiện các lời hứa thay đổi cơ cấu, song phía Bắc Kinh đã phản đối đề xuất này.
Austin Lowe, một nhà phân tích làm việc tại Washington chuyên nghiên cứu về luật đầu tư nước ngoài Trung Quốc, cho rằng chính sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp lý và hiến pháp đã khiến hai bên khó có thể tìm thấy tiếng nói chung dẫn tới đạt được một thỏa thuận về các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay ép chuyển giao công nghệ.
Amy Celico, cựu Giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Quốc tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc công nghệ tiên tiến toàn cầu là mối quan tâm ngày càng lớn đối với một số thành viên của chính quyền Mỹ và Quốc hội. Là người phụ trách xử lý các đơn kiện cáo của các công ty Mỹ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, bà Celico cho biết không ủng hộ quyết định tăng thuế của ông Trump. Tuy nhiên, bà nhận định chiến thuật này đã cho thấy có hiệu quả trong việc giúp Trung Quốc nhận ra và thảo luận vấn đề sở hữu trí tuệ một cách công khai với các đối tác thương mại.
“Trước đây, những vấn đề này Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn chẳng để tâm. Tôi thực sự nghĩ chính quyền Tổng thống Trump đã và đang gây sức ép lên Trung Quốc và chiến thuật dùng chính sách thuế đã kéo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Việc của chúng ta cần làm là ngồi chờ xem kết quả của các cuộc đàm phán này ra sao mà thôi”.
BẢO HÀ