.

Eurozone chưa giải quyết được bất đồng về ngân sách tương lai

Cập nhật: 15:11, 17/05/2019 (GMT+7)

Ngày 17-5, nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng Euro (Eurogroup) đã thất bại trong việc giải quyết bất đồng về ngân sách tương lai cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro, nhưng Chủ tịch Eurogroup, Mario Centeno bày tỏ tin tưởng rằng một thỏa thuận sẽ đạt được vào tháng 6 tới.

Chủ tịch Eurogroup, Mario Centeno.
Chủ tịch Eurogroup, Mario Centeno.

Ngân sách tương lai của Khối các nước sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ là một phần của ngân sách dài hạn sắp tới của Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu từ năm 2021. Mục tiêu là làm cho các nền kinh tế của Eurozone cạnh tranh và đồng bộ hóa tốt hơn với nhau, thay vì mục tiêu ổn định như trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Trong một cuộc họp báo sau Hội nghị Eurogroup, Chủ tịch Centeno đánh giá mặc dù vào lúc này vẫn còn bị hạn chế về vai trò, việc thông qua một ngân sách như vậy là cột mốc quan trọng đánh dấu việc hội nhập Eurozone. Ông nhấn mạnh đây là một giai đoạn rất quan trọng đối với khu vực cả về chính trị và kinh tế. 

Quy mô của ngân sách sẽ được xác định bởi các nhà lãnh đạo Eurozone “trong khuôn khổ” ngân sách EU hoặc khung tài chính nhiều năm (MFF). Các quan chức cho biết, Pháp và Đức đã đồng ý tài trợ cho ngân sách Eurozone bằng một khoản tiền từ ngân sách lớn hơn của EU và các loại thuế chuyên biệt như thuế giao dịch tài chính. Pháp cũng đang thúc đẩy việc đánh thuế vào ngành kinh tế kỹ thuật số.

Để có thêm nguồn tài chính như dự định, các chính phủ Eurozone sẽ phải ký một thỏa thuận liên chính phủ đặc biệt, giống như hiệp ước tạo ra quỹ cứu trợ Khu vực sử dụng đồng euro.

Cuộc thảo luận ngân sách bước vào giai đoạn cuối sau những nỗ lực dài của Eurozone để hội nhập kinh tế sâu rộng hơn nhằm tăng khả năng chống chọi của Eurozone trước các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai.

Hiện nay, 28 quốc gia EU có ngân sách chung châu Âu, được thiết lập 7 năm một lần và tương đương 1% tổng thu nhập quốc dân của khối. Các quốc gia Eurozone cũng muốn có một ngân sách riêng, được sử dụng như một công cụ tài chính để can thiệp vào nền kinh tế của họ cùng với chính sách tiền tệ chung của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

REUTERS

.
.
.