Cuốn sách về những điệp viên đầu tiên của Israel
Trước khi trở thành quốc gia độc lập, Israel đã có nhóm điệp viên bí mật nhận nhiệm vụ điều tra về lực lượng dân quân Ảrập và quân đội Anh để sau đó báo cáo lại cho Palmach - lực lượng ngầm mà cuối cùng phát triển thành một bộ phận của quân đội Israel gọi là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Matti Friedman - người chào đời ở Canada nhưng sinh sống tại Jerusalem, cựu phóng viên hãng tin Associated Press ở Trung Đông và hiện là cây bút tờ The Times of Israel - là tác giả cuốn sách mới “Spies of No Country: Secret Lives at the Birth of Israel” (tạm dịch: Những điệp viên không có quốc gia: Những cuộc sống bí mật trước khi Israel chào đời) trong đó kể câu chuyện về một khu vực xung đột mà ít ai biết đến được gọi là “Israel thời trước Israel”.
Đó là vào năm 1948 và 1949, cho đến khi quân đội Anh rút khỏi lãnh thổ ủy trị Palestine - một thực thể địa chính trị dưới quyền Anh, tách ra từ Nam Syria thuộc Ottoman sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhóm điệp viên người Do Thái hết sức cảnh giác với những người lính Anh cũng như kẻ thù của họ là người Ảrập. Các điệp viên Do Thái được chọn một phần vì thời gian họ sống ở các vùng đất Ảrập, vì vậy họ có thể thoải mái nói tiếng Ảrập trong khi vẫn có thể che giấu thân phận thực sự của mình.
Họ trông giống người Ảrập, nói tiếng Ảrập như người bản địa và sinh sống như người dân của Liban, Syria và Jordan. Trong số 4 điệp viên Do Thái, tác giả Friedman tập trung vào 2 người đến từ Syria, 1 người từ Yemen và 1 người từ Jerusalem.
Những thành tích của nhóm điệp viên Do Thái được đánh giá là hiệu quả cao. Lúc đầu họ ít được đào tạo chuyên nghiệp. Đó là lý do mà một trong những cấp trên của họ ở Palmach đã phải khuyến cáo không được tổ chức họp nhóm bởi vì điều đó dễ dẫn đến việc cả nhóm bị xóa sổ cùng một lúc. Họ chính thức trở thành đơn vị điệp viên của Palmach gọi là “Bộ phận Ảrập”.
Các thành viên của Palmach là đội tiên phong của quân đội Do Thái ngay cả trước khi David Ben Gurion tuyên bố thành lập nhà nước Israel vào ngày 14-5-1948. Nhóm điệp viên lập công lớn khi báo cáo với Palmach về địa điểm sản xuất vũ khí ở Palestine cũng như đã lấy cắp được tấm bản đồ chi tiết về thành phố Beirut của Liban và xác định một vài mục tiêu tiềm năng - ví dụ như căn nhà của thủ tướng và dinh tổng thống.
Gamliel Cohen (bí danh Yussel) người Syria được đánh giá là điệp viên hiệu quả nhất trong cuốn sách của Matti Friedman. Gamliel có tính thận trọng, có năng lực trí tuệ cao nhất đồng thời cũng là người duy nhất đã học xong bậc trung học. Khi kết hôn, vỏ bọc của Gamliel hoàn hảo đến mức lễ cưới của ông phải được tiến hành ở tận châu Âu.
Con gái của Gamliel sống những năm đầu đời với một cái tên Ảrập - Samira - và đã không trở lại với tên Mira cho đến khi nhiệm vụ kết thúc. Nếu người Do Thái có thể đóng vai người Ảrập, thì người Ảrập cũng có thể đóng vai người Do Thái. Gamliel và các điệp viên khác thường xuyên đi lại giữa các thị trấn Ảrập xung quanh Palestine để thu thập thông tin tình báo trong đó một số có giá trị cao về mặt quân sự nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mà người Do Thái tin rằng chắc chắn sẽ xảy ra.
Sau khi Israel được thành lập, Gamliel ký hợp đồng làm điệp viên toàn thời gian. Gamliel sống nhiều năm ở châu Âu với tư cách là một người Ảrập, đầu tiên đóng giả làm thư ký đại sứ quán, sau đó là một nhà báo. Sau khi qua đời năm 2002, Gamliel được một cơ quan quân sự ca ngợi là một trong những điệp viên giỏi nhất của Israel: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về ông vì ông không bao giờ bị bắt”.
Cuốn sách “Spies Of No Country” kể một câu chuyện hấp dẫn về cách mà Nhà nước Israel được tạo ra cũng như về những ngày đầu tiên của cuộc chiến gián điệp - một mặt trận mà người Israel vẫn là nhà vô địch cho đến tận ngày nay. Cuốn sách Friedman chứa đựng nhiều tình tiết hấp dẫn và những sự kiện lịch sử trong cuộc Chiến tranh năm 1948. Nói đúng hơn, cuốn sách là câu chuyện thu hút mạnh người đọc về một phần nhỏ của nỗ lực tạo ra quê hương Do Thái.
ANH DŨNG