Cử tri Ấn Độ đi bầu cử Hạ viện
Sáng 11-4, hàng trăm triệu cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu, chính thức bắt đầu tiến trình bầu cử Hạ viện (Lok Sabha) khóa 17 nhiệm kỳ 2019-2024.
Cuộc bầu cử năm nay được tiến hành theo 7 giai đoạn từ nay tới ngày 19-5. Công tác kiểm phiếu sẽ được tiến hành đồng bộ trong ngày 23-5 và kết quả sẽ được công bố cùng ngày sau đó. Tổng cộng có 1.841 đảng phái với hơn 8.000 ứng cử viên sẽ cạnh tranh 543/545 ghế tại Hạ viện. 2 ghế còn lại do Tổng thống chỉ định. Sau cuộc bỏ phiếu, chính đảng nào hay liên minh nào giành được tối thiểu 272 ghế sẽ có quyền thành lập Chính phủ.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ đã thiết lập hơn 1 triệu điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để phục vụ khoảng 900 triệu công dân đủ tư cách bầu cử. Trong số này, khoảng 130 triệu cử tri đủ tuổi đi bầu cử lần đầu.
Hiện, Ấn Độ đã sử dụng thiết bị bỏ phiếu điện tử cho tất cả các cuộc bầu cử lập pháp từ Trung ương xuống địa phương. Khoảng 1,1 triệu máy bầu cử đã được chuẩn bị và nhà chức trách cũng huy động khoảng 2 triệu cảnh sát để đảm bảo an ninh.
Cuộc tổng tuyển cử năm nay chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) cầm quyền do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo và Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) đối lập do đảng Quốc đại (INC) đứng đầu.
INC có lịch sử lãnh đạo Ấn Độ trong nhiều thập kỷ, trong khi BJP mới được thành lập thời gian gần đây. Tuy nhiên, BJP đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử năm 2014 với 282 ghế so với 44 ghế của INC.
Khẩu hiệu của đảng BJP lần này là xây dựng Ấn Độ thành quốc gia hùng mạnh và trao quyền cho nhân dân, với chương trình nghị sự tập trung 3 vấn đề chủ chốt là an ninh quốc gia, tạo việc làm và chống khủng bố.
Trong khi đó, INC đưa ra cam kết “Quốc đại sẽ giữ lời hứa” với cương lĩnh 15 điểm, trong đó nhấn mạnh vào các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, đời sống nông dân và chính sách thuế phải chăng.
AP