.

Nam Á bên bờ vực khủng hoảng

Cập nhật: 10:37, 06/03/2019 (GMT+7)

Mấy ngày qua, thông tin về cuộc đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan rất khác nhau. Ấn Độ và Pakistan đều nói họ đã bắn hạ máy bay quân sự của nước kia ngày 27-2, một ngày sau khi chiến đấu cơ Ấn Độ thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Pakistan, lần đầu kể từ sau chiến tranh năm 1971.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Theo truyền thông Ấn Độ, vào khoảng 3 giờ 30 sáng 29-2, 12 chiến đấu cơ Mirage 2000 Ấn Độ bay về hướng thị trấn Balakot, nơi có một số trại huấn luyện của lực lượng Jaish-e-Mohammed. Trong cuộc tấn công kéo dài khoảng 20 phút, các phi công Ấn Độ có thể đã hủy diệt một trong các căn cứ quan trọng nhất của nhóm khủng bố, từng tuyên bố đứng đằng sau vụ khủng bố tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 14-2, khiến ít nhất 40 dân thường và binh lính Ấn Độ thiệt mạng.

Trong khi đó, theo Islamabad, các máy bay Ấn Độ chỉ xâm nhập không phận nước này trong vòng 4 phút, các cuộc không kích có thể đã không gây thiệt hại về người. Theo chính quyền Pakistan, không quân nước này đã kịp thời bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ, bắt sống 2 phi công. Đây là điều mà New Delhi bác bỏ. Ngược lại, Ấn Độ cho biết đã bắn hạ 1 máy bay Pakistan.

Trong khi hãng tin Reuters lại thông báo các lực lượng trên bộ của Ấn Độ và Pakistan cùng thời điểm đó đã có chạm súng tại hơn một chục địa điểm.

Vì đây là những thông tin được phát đi từ hai phía, không thể kiểm chứng thông tin nào chính xác, tuy nhiên, đụng độ quân sự là có thật. Vụ leo thang mới nhất đánh dấu bước ngoặt bất ngờ trong quan hệ giữa hai nước Nam Á, cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng Kashmir mặc dù mỗi bên chỉ kiểm soát một phần khu vực này. Gần đây, vào tháng 11-2018, Thủ tướng Pakistan Imran Khan còn đề cập tới việc “hàn gắn quan hệ” với Ấn Độ.

Căng thẳng đã tăng cao kể từ khi xảy ra vụ đánh bom tự sát do các phần tử chủ chiến có căn cứ ở Pakistan thực hiện trên vùng lãnh thổ Kashmir nằm dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, làm chết ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự Ấn Độ hồi giữa tháng 2.

Sau vụ không kích của Ấn Độ ngày 26-2, Chính phủ Pakistan đã ra lệnh đóng cửa không phận dân sự. Việc Pakistan đóng cửa không phận đã ảnh hưởng đến nhiều đường bay quốc tế, kể cả đường bay từ Việt Nam đến các quốc gia châu Âu.

Quân đội Pakistan cho biết, máy bay quân sự của Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ của họ ở khu vực Kashmir đang tranh chấp. Đối với Pakistan, các cuộc tấn công này có mục tiêu phục vụ bầu cử tại Ấn Độ. Một vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử, New Delhi đã nhân rộng các sáng kiến ngoại giao để cô lập nước láng giềng Pakistan, đồng thời gia tăng hoạt động quân sự để thu hút lá phiếu cử tri.

Theo Reuters, vào hôm 26-2, người dân Ấn Độ đổ xô xuống đường ăn mừng, sau khi chính quyền nước này cho biết đã tiến hành các cuộc không kích vào Pakistan. Reuters cho biết phản ứng này của người dân là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Narendra Modi đang tăng mạnh trong giai đoạn trước cuộc tổng tuyển cử.

Các nhà phân tích chính trị lập luận rằng, cuộc không kích sẽ thúc đẩy chiến dịch tranh cử của ông Modi trong cuộc bầu cử tháng 5-2019 sắp tới. Bên cạnh đó, cuộc không kích này còn làm giảm bớt các vấn đề kinh tế mà đảng cầm quyền Bharatiya Janata đang gặp phải.

Tuy nhiên, Ấn Độ biện minh cho các cuộc tấn công này bằng mong muốn đảm bảo an ninh trước các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai. Phát biểu tại cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc ở Trung Quốc ngày 27-2, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết hành động của Ấn Độ tại Kashmir không phải là cuộc tấn công quân sự.

Ngày 28-2, tình hình căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong một phát biểu ngắn được truyền hình, Thủ tướng Pakistan Imran Khan một lần nữa nhắc lại đề nghị thương thuyết với New Delhi, sẵn sàng cho mọi đối thoại về vấn đề khủng bố và các vấn đề khác. Thủ tướng Pakistan cũng nhấn mạnh đến nguy cơ “tính toán sai lầm dù là nhỏ nhất” giữa hai cường quốc hạt nhân có thể dẫn đến các hệ quả bi thảm. Căng thẳng ở vùng biên giới với Ấn Độ là khủng hoảng lớn đầu tiên mà Thủ tướng Imran Khan, nhậm chức từ mùa hè năm ngoái, phải đối mặt.

Về phần mình, New Delhi cũng tìm cách giảm nhẹ tình hình. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swarai nhấn mạnh là New Delhi không muốn leo thang và sẽ tiếp tục hành động với trách nhiệm và sự kềm chế.

Cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan không phải là mới. Pakistan và Ấn Độ đã đối đầu nhau trong 3 cuộc chiến tranh từ khi giành được độc lập vào năm 1947, thoát chế độ thực dân Anh, trong đó 2 cuộc chiến xảy ra ở khu vực Kashmir, vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp giữa hai bên trên dãy Himalaya. Năm 2002, một lần nữa hai nước đã tiến gần tới bờ vực một cuộc chiến tranh thứ tư sau khi phiến quân Pakistan tấn công vào Quốc hội Ấn Độ.

MỘC THẠCH (tổng hợp)

.
.
.