Chính phủ Đức phê chuẩn dự thảo ngân sách 2020
Ngày 21-3, Nội các Đức đã phê chuẩn dự thảo ngân sách năm 2020 và kế hoạch tài chính đến năm 2023 do Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đệ trình.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz. |
Bản dự thảo ngân sách đề nghị tăng chi tiêu 1,7% và dựa vào các bộ để cắt giảm chi phí nhằm tránh xảy ra tình trạng phát sinh nợ mới trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có dấu hiệu chững lại.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, quản lý tài chính đang ngày càng thắt chặt hơn vì doanh thu thuế trong năm 2019 có thể sẽ giảm hơn so với dự kiến do các đơn vị xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy yếu từ nước ngoài, các tranh chấp thương mại và vấn đề Brexit bất ổn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Olaf Scholz cũng cho biết, các khoản đầu tư vào năm 2020 dự kiến sẽ tăng gần 40 tỷ euro, tập trung vào một số lĩnh vực chính như cơ sở hạ tầng, giáo dục và nhà ở. Theo ông, với nguồn tài chính công vững chắc và một nền kinh tế trong nước ổn định, Đức sẽ có một vị thế tốt để có thể chống đỡ trong tình hình kinh tế thế giới đang suy yếu, các rào cản thương mại gia tăng và nguy cơ xảy ra một Brexit không có thỏa thuận.
Theo dự thảo ngân sách mới vừa được thông qua, dự kiến vào năm 2020, Đức sẽ tăng chi tiêu ở mức 1,7% lên 362 tỷ euro (khoảng 411,8 tỷ USD), tuy nhiên để cân bằng ngân sách, các bộ sẽ phải tìm cách phối hợp cắt giảm chi tiêu ở mức 625 triệu euro/năm cùng với nhiều biện pháp khác để đóng góp thêm cho các khoản tiết kiệm.
Chi tiêu quốc phòng của Đức trong năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 45,1 tỷ euro, tương đương 1,37% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với mức 1,25% trong năm 2018 và 1,3% trong năm 2019.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen cho rằng chi tiêu quốc phòng của Đức tăng hơn gấp đôi so với ngân sách chung, đồng thời nhấn mạnh đây là một tín hiệu cho thấy Berlin vẫn cam kết với các mục tiêu chi tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà cũng cho biết chi tiêu quốc phòng của Đức đến nay đã tăng 40% kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales, Anh năm 2014.
Theo báo cáo mới nhất của NATO công bố ngày 14-3, chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu trong khối quân sự này đã đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, nhưng vẫn chỉ có 6 quốc gia cùng với Mỹ dành 2% GDP cho quốc phòng.
AFP