.

Hành trình đi đến kết thúc buồn của "siêu máy bay" Airbus A380

Cập nhật: 15:14, 17/02/2019 (GMT+7)

Từ năm 2021 Airbus sẽ ngừng sản xuất siêu máy bay A380, từ bỏ loại máy bay chở khách lớn nhất, một trong những “đứa con” nhiều rắc rối nhất và cũng được kỳ vọng nhất của ngành công nghiệp hàng không. Thông báo của Airbus cho biết hãng sẽ phân phối 14 chiếc A380 cuối cùng cho hãng hàng không Emirates (Dubai) trong 2 năm tới. Dưới đây là hành trình hơn 1 thập kỷ của A380.

Hãng hàng không Emirates tiếp nhận chiếc A380 đầu tiên vào tháng 7-2018. Ảnh: Airbus
Hãng hàng không Emirates tiếp nhận chiếc A380 đầu tiên vào tháng 7-2018. Ảnh: Airbus

Tháng 7-1994: Sau thất bại của những nghiên cứu chung với Boeing, Airbus thông báo có kế hoạch phát triển dòng máy bay lớn của riêng mình, mang mã hiệu A3XX.

Tháng 3-1997: Trong lúc nhà sản xuất máy bay Airbus đang thu hút đầu vào cho mẫu máy bay lớn, dự kiến ra mắt vào năm 2003, họ đối mặt với những chỉ trích về dự báo thị trường. Hãng hàng không British Airways cho biết, dự báo doanh số bán ra 1.380 chiếc máy bay vào năm 2014 là quá “nổ”. Hãng đối thủ Boeing thì dự đoán doanh số có thể không đạt được 470 chiếc trong bối cảnh nhu cầu của hành khách đang thiên về di chuyển giữa địa điểm này đến địa điểm khác bằng máy bay cỡ trung và nhỏ thay vì di chuyển giữa các trung tâm hàng không toàn cầu bằng máy bay lớn.

Tháng 7 đến 12-2000: Dự án A3XX nhận được các cam kết từ hãng hàng không Emirates (có trụ sở tại Dubai) và Air France (Pháp), tiếp đó là hợp đồng sơ bộ trị giá 8,6 tỉ USD từ Singapore Airlines và những đơn đặt hàng được cho là từ hãng hàng không Qantas và Virgin Atlantic. Được cổ vũ bởi những đơn hàng ồ ạt này, Airbus chính thức cam kết chế tạo máy bay A3XX, giao hàng từ năm 2006.

Từ tháng 7 đến 12-2004: Airbus đối mặt với một cuộc chiến giảm trọng lượng máy bay A3XX, lúc này đã được đặt lại tên là A380, nhằm đạt được những mục tiêu hiệu quả như đã cam kết. Thất bại trong cuộc chiến này sẽ đồng nghĩa với việc phải nộp những khoản phạt tài chính. Chi phí phát triển cũng tăng cao ngoài dự toán, gây ra nhiều lo ngại về khả năng Airbus khó kiếm được lợi nhuận từ chương trình A380.

Tháng 4-2005: Chiếc A380 lần đầu tiên cất cánh kiêu hãnh trên bầu trời, với một chuyến bay thử nghiệm kéo dài gần 4 tiếng từ nhà máy của Airbus ở Toulouse, Pháp. Nhưng sau đó sự kiện đã đối mặt với một cơn bão chỉ trích khi một học giả tại trường Đại học Northwestern dự báo chiếc A380 sẽ gây thua lỗ 8 tỉ USD trong “vòng đời” thương mại của mình và sẽ không bao giờ trả lại được hàng tỉ USD hỗ trợ từ nhà nước.

Tháng 10-2007: Sau nhiều lần trì hoãn, những lần đội chi phí và các cuộc khủng hoảng khác, chiếc A380 cuối cùng đã bước vào giai đoạn khai thác thương mại, với chuyến bay của Singapore Air, từ đảo quốc sư tử đến Sydney, Australia. Chiếc “superjumpo” lập tức gây ấn tượng mạnh với công chúng với bề ngoài “khổng lồ” và nội thất sang trọng, làm “lu mờ” những dòng máy bay khác nhỏ hơn. Tuy nhiên, lúc này danh sách đơn đặt hàng đã rút ngắn đi, và một sự thật đã hiện rõ là hầu hết các hãng hàng không coi A380 là một hình mẫu biểu tượng thay vì một mẫu máy bay chủ lực của hàng không toàn cầu.

Tháng 11-2010: Trong một cú giáng vào danh tiếng dòng siêu máy bay của Airbus, hãng hàng không Qantas (Australia) đã ra lệnh dừng bay toàn bộ phi đội A380 sau sự cố một động cơ máy bay nổ trên không trung, khiến chiếc A380 phải hạ cánh khẩn cấp. Một cuộc điều tra sau đó phát hiện nguyên nhân sự cố là do rò rỉ dầu, gây cháy. Nhà sản xuất động cơ cho A380 là Rolls-Royce Holdings Plc đã phải xem xét lại quy trình sản xuất của mình.

Tháng 1-2014: Airbus hủy đơn đặt hàng của hãng hàng không Kingfisher Airlines (Ấn Độ) và cắt giảm sản xuất trong bối cảnh một số khách hàng của họ, bao gồm Virgin và Air Austral, không còn hứng thú với dòng máy bay khổng lồ mà họ đã từng đồng ý mua.

Tháng 1-2018: Hãng hàng không tiềm lực Emirates (Dubai) ký hợp đồng mua thêm 20 chiếc A380, thúc đẩy một chương trình đã đi xuống vì chỉ nhận được một số ít đơn hàng trong những năm gần đây. Thương vụ này mang đến cho Airbus tia hy vọng mới về sức sống của A380 khi chỉ ít ngày trước đó, Airbus thừa nhận về một tương lai không sáng sủa.

Tháng 6-2018: Một số chiếc A380 đầu tiên được chế tạo đã được bàn giao cho Singapore Airlines. Các hãng hàng không khác thậm chí còn không hứng thú với việc tiếp nhận dòng máy bay này và những chiếc “superjumbo” đỗ đầy chân dãy núi Pyrenees của Pháp trên đường đến khu bãi phế thải, một kết cục “mất mặt” cho những chiếc máy bay mới chỉ tung cánh trên bầu trời một thập niên.

Tháng 10-2018: Hợp đồng đột phá với Emirates có nguy cơ đổ vỡ trong bối cảnh hãng hàng không của Dubai cũng đang tìm cách đảm bảo giữ nguyên giá và tìm kiếm những nhượng bộ từ nhà cung cấp động cơ máy bay Rolls-Royce. Công ty này đã lỡ hạn chót cung cấp động cơ cho máy bay mới.

Tháng 2-2019: Airbus chính thức từ bỏ sản xuất A380 khi Emirates cắt giảm đơn hàng. Trong một tuyên bố, Airbus cho biết: “Hãng hàng không Emirates đã cắt giảm đơn đặt hàng máy bay A380 từ 162 chiếc xuống còn 123 chiếc. Việc này, cộng với tình trạng thiếu đơn đặt hàng từ các hãng hàng không khác, buộc Airbus ngừng phân phối máy bay A380 vào năm 2021”.

Theo Giám đốc điều hành Airbus Tom Enders, quyết định của Emirates đồng nghĩa với việc Airbus “không có đơn đặt hàng A380 mới nào, và vì vậy không có lý do để duy trì sản xuất, bất chấp các nỗ lực chào hàng với các hãng hàng không khác trong vài năm trở lại đây”.

Tuyên bố này đánh dấu kết thúc cho một kỷ nguyên trong hàng không, mặc dù máy bay A380 sẽ vẫn hoạt động cho đến thập niên 2030.

THU HẰNG

.
.
.