.

Những thành phố bị mafia rác khống chế

Cập nhật: 15:30, 17/01/2019 (GMT+7)

Mafia ở Italia, Mỹ và Ấn Độ chiếm địa bàn thu gom rác và chôn hoặc đốt rác trái phép, gây hậu quả môi trường nghiêm trọng.

Rác trên đường phố Bengaluru tháng 8-2017.
Rác trên đường phố Bengaluru tháng 8-2017.

Khi Thủ tướng Italia Giuseppe Conte nhậm chức vào tháng 6-2018, ông nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là xử lý “mafia môi trường”.

Vấn nạn mafia thao túng các hoạt động liên quan đến môi trường đã đeo đuổi Italia trong nhiều năm, đặc biệt là ở miền Nam nước này, nơi tội phạm có tổ chức hoạt động mạnh. Năm 2008, Italia từng phải điều động quân đội để dọn dẹp đống rác chất cao như núi ở thành phố Naples. Người dân cho rằng giới chức phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn Camorra, nhóm mafia tại khu vực, kiểm soát việc thu gom rác thải trong hơn một thập niên.

Các tổ chức tội phạm đã nhúng tay vào việc thu gom rác ở nhiều nơi trên thế giới vì đây là ngành dễ thâm nhập và kiểm soát. Các tổ chức tội phạm kiếm nhiều tiền từ ma túy, buôn người và hàng giả, nhưng việc tạo ra thế độc quyền về thu gom rác thải có sức hấp dẫn đặc biệt với họ vì đây là kinh doanh hợp pháp và các hợp đồng mang lại lợi nhuận lớn.

So với việc kinh doanh casino hay cửa hàng, việc thu gom rác ít hao tổn tâm trí hơn nhiều. Bất cứ ai có xe tải và một vài người khỏe mạnh đều có thể làm được và dịch vụ này không bao giờ thiếu khách hàng. Một báo cáo môi trường năm 2011 nói rằng các nhóm mafia ở miền Nam Italia đã bỏ túi khoảng 22 tỷ USD một năm nhờ rác.

Băng nhóm hoạt động trong một thành phố sẽ ngăn chặn các bên cạnh tranh đẩy giá thấp xuống. Họ ấn định giá và phân bổ địa bàn hoạt động khiến khách hàng muốn được thu gom rác không thể chọn lựa ai ngoài họ. Camorra, nhóm mafia lớn và lâu đời kiểm soát ngành này ở Naples hàng chục năm, đã quấy nhiễu các đối thủ kinh doanh và tống tiền họ. Carmine Schiavone, cựu thành viên cấp cao trong Camorra, mô tả mafia chôn rác vào lúc nửa đêm và có người cầm vũ khí canh chừng. Họ thông đồng với cảnh sát, chính trị gia và doanh nhân.

Các tổ chức tội phạm ở những nơi khác trên thế giới cũng kiếm lợi từ rác. Tại New York, mafia gốc Italia La Cosa Nostra chi phối gần như hoàn toàn việc thu gom rác từ những năm 1950, cho đến khi ông Rudy Giulian lên làm thị trưởng những năm 1990. Nhóm này làm được điều đó do các thành viên băng đảng thâm nhập vào Liên đoàn lao động Teamsters, uy hiếp và ra lệnh cho các tài xế xe tải chở rác phải làm việc cho công ty này, từ đó đẩy các công ty không phải mafia ra khỏi cuộc chơi.

Năm 2013, 12 người từ 3 gia tộc thuộc La Cosa Nostra bị buộc tội cùng nhau thao túng các doanh nghiệp xử lý chất thải tại New York và nhiều quận ở New Jersey năm 2009-2012. “Thủ đoạn mà họ sử dụng để duy trì sự kiểm soát đúng như điều mọi người thường nghĩ về mafia - tống tiền, dọa dẫm và bạo lực”, Preet Bharara, luật sư ở quận nam New York, nói.

Năm 2017, thành phố Bengaluru của Ấn Độ có khoảng 100 bãi chôn rác trái phép vì mafia thao túng các công ty thu gom rác nhờ các kết nối chính trị. Họ thường khai khống số máy móc và công nhân vệ sinh môi trường.

Chính quyền Bengaluru tìm cách tăng tính minh bạch cho việc xử lý rác như thiết lập hệ thống sinh trắc học cho công nhân vệ sinh hay thiết bị chia sẻ vị trí xe rác. Tuy nhiên, mafia tìm cách cản trở những cải cách này bằng cách cho các công ty dưới trướng họ đình công hay dọa dẫm công nhân vệ sinh, khiến thành phố ngập trong rác. 

Tại một số nơi ở Đài Loan, các băng nhóm đào bờ sông lấy sỏi và bán cho các công ty xây dựng. Sau đó, họ lấp hố bằng chất thải thu gom. Tội phạm Georgia cũng nhập cuộc vào ngành rác khi thành phố Tbilisi tư nhân hóa việc vận chuyển chất thải. Mafia thường làm việc tắc trách và không quan tâm đến hậu quả môi trường. Họ không tái chế rác mà chôn trái phép hoặc đốt chất độc hại như hóa chất, kim loại nặng và nhiên liệu.

Khu vực Naples và Campania được đặt biệt danh là “mảnh đất lửa”, “đất độc” và “tam giác tử thần”. Hiệp hội bảo vệ môi trường Italia, Legambiente, tuyên bố trong báo cáo mafia môi trường năm 2014 rằng khoảng 11,6 triệu tấn chất thải được chôn trái phép trong khu vực kể từ những năm 1990.

Chất độc hại từ bãi rác thấm vào lòng đất và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, trong khi việc đốt rác thải khiến chất độc lan vào trong không khí, khiến nhiều người mắc bệnh ung thư phổi hoặc dị tật bẩm sinh, theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia Italia. “Mafia môi trường là loại virus đầu độc môi trường, gây ô nhiễm nền kinh tế và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân”, người phát ngôn của Legambiente nói.

Năm 2015, Italia ra luật mới để kiềm chế mafia môi trường. Họ trao cho cảnh sát quyền lực mới để điều tra tội phạm môi trường và tăng hình phạt. Luật này đã khiến lượng tội phạm mafia môi trường giảm 7% trong giai đoạn 2015-2016.

PHƯƠNG VŨ

.
.
.