.

Những chuyển động bước ngoặt của nước Mỹ

Cập nhật: 17:37, 25/12/2018 (GMT+7)

Những chuyển động mạnh mẽ của nước Mỹ trong năm 2018 dưới sự điều hành của Tổng thống Trump đã tạo ra nhiều thay đổi, không chỉ trong nội bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn trên bình diện toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn báo giới tại Nhà Trắng ở Washington DC. ngày 26-11-2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn báo giới tại Nhà Trắng ở Washington DC. ngày 26-11-2018.

Dấu ấn lớn nhất và không thể tranh cãi của ông Trump trong năm 2018 thể hiện trên lĩnh vực kinh tế-thương mại. Bất chấp những tác động tiêu cực của thiên tai như bão lụt hay cháy rừng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục, đạt mức kỷ lục 4,2% trong quý 2 và cả năm ước đạt 3% (ngang với mục tiêu đề ra lúc vận động tranh cử). Tỷ lệ thất nghiệp công bố đầu quý tư giảm xuống còn 3,7% (thấp nhất kể từ tháng 12-1969), lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất trong 18 năm, lợi nhuận của các DN Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiến hành 4 đợt tăng lãi suất, dựa trên các đánh giá tích cực về “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ.

Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế đối ngoại chứng kiến sự quyết liệt của ông chủ Nhà Trắng. Quan điểm nhất quán của ông kể từ lúc tranh cử là Mỹ đang bị các đối tác thương mại lợi dụng và việc áp dụng những chiến thuật cứng rắn, trong đó có các đòn thuế quan, sẽ buộc các nước khác phải xuống thang đàm phán, đi đến nhượng bộ. Năm 2018, Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại thông qua việc gây sức ép tối đa lên các đối thủ và đối tác, trong đó có áp đặt các mức thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD, cũng như với nhôm và thép nhập khẩu...

Những động thái trên đã làm rung chuyển toàn bộ trật tự thương mại quốc tế, buộc các nước phải có những điều chỉnh theo Mỹ. Trên thực tế, đa số các nước nằm trong “danh sách đen” khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn đều đang tìm cách tăng cường mua hàng hóa của Mỹ, giảm bớt các hàng rào thuế quan. EU, Hàn Quốc đều đã có những nhượng bộ lớn; Mexico và Canada chấp nhận Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tồn tại từ năm 1994 để có thể duy trì quan hệ thương mại với Mỹ.

2018 còn là năm chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bùng nổ, trong bối cảnh “người khổng lồ châu Á” Trung Quốc đã từ bỏ chính sách “giấu mình chờ thời” và trỗi dậy mạnh mẽ, đe dọa soán ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ, thực sự là “rào cản” trực tiếp với giấc mơ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Quan hệ Mỹ-Trung có lúc căng thẳng tới mức “chạm đáy”, chiến tranh thương mại lan sang các lĩnh vực khác, mang hơi hướng của Chiến tranh Lạnh. Dư luận cho rằng đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của cuộc đối đầu toàn diện giữa 2 cường quốc.

Những chuyển động trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm qua tác động mạnh tới cục diện tình hình thế giới. Nổi bật nhất là Tổng thống Trump đã có 2 cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6 và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phần Lan hồi tháng 7. Việc lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên đánh dấu sự đảo chiều trong cách tiếp cận của Washington với Bình Nhưỡng, có thể nói đã tác động tích cực đến cục diện an ninh trên bán đảo Triều Tiên và châu Á.

Trong khi đó, cuộc gặp với Tổng thống Nga cũng tạo cơ hội quan trọng để làm dịu đối đầu Nga-Mỹ nói riêng và Nga-phương Tây nói chung. Không chỉ ghi dấu ấn, hai cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga còn được xem là động thái thể hiện vị thế và vai trò cường quốc có trách nhiệm của Mỹ trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, với quan điểm thực dụng, đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục rút khỏi các thể chế đa phương như Hội đồng Nhân quyền LHQ, Thỏa thuận hạt nhân Iran , dọa rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga… Việc Washington rút khỏi các tổ chức quốc tế đặt ra dấu hỏi về vai trò của Mỹ, đồng thời tạo ra thách thức nghiêm trọng tới trật tự thế giới vốn được định hình từ lâu.

Năm 2019 đang đến gần với những bộn bề lo toan của ông chủ Nhà Trắng, trong bối cảnh phe Dân chủ vừa tái lập thế cân bằng tại Quốc hội khi giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, đe dọa cản trở việc phê chuẩn các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Việc 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa có một sự đồng thuận hiếm hoi trong việc áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tùy thuộc vào tiến trình đàm phán, cũng như “sự nhượng bộ” của Trung Quốc. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga hay Triều Tiên nhiều khả năng được giữ nguyên, thậm chí còn gia tăng, một phần bởi tình trạng rối ren hiện nay trên chính trường Mỹ.

ĐOÀN HÙNG

.
.
.