.

Giá dầu mỏ năm 2019 sẽ "ổn định"

Cập nhật: 17:45, 18/12/2018 (GMT+7)

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, hứa hẹn năm 2019 giá dầu sẽ “ổn định” và không có nhiều biến động như năm qua. 

Cơ sở lọc dầu South Pars ở thành phố cảng Assaluyeh, miền nam Iran. (Ảnh: AFP)
Cơ sở lọc dầu South Pars ở thành phố cảng Assaluyeh, miền nam Iran. (Ảnh: AFP)

Giá dầu Brent vượt mức 80 USD/thùng trong tháng 5-2018 và làm dấy lên lo ngại giá dầu cao có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên, sau đó thông tin về triển vọng nguồn cung gia tăng đã đè nặng lên tâm lý của giới giao dịch trên thị trường. Trong tháng 11-2018, giá dầu thế giới đã giảm hơn 20%, ghi nhận tháng giảm tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua và có lúc đã rớt xuống dưới 50 USD/thùng.

Trước nguy cơ lặp lại kịch bản giá dầu “xuống giá không phanh” như cách đây vài năm, ngày 7-12, các nước trong và ngoài OPEC đã tổ chức họp ở Vienna (Áo), và đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ năm tới. Theo đó, từ tháng 1-2019, các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC sẽ chính thức cắt giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 800.000 thùng so với mức của tháng 10-2018, trong khi các nước bên ngoài OPEC sẽ cắt giảm 400.000 thùng mỗi ngày. Sau đó, tới tháng 4-2019, các bên sẽ lại nhóm họp để đánh giá kết quả.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc các nước sản xuất dầu đạt được sự đồng thuận cắt giảm sản lượng chỉ là giải pháp tình thế, phù hợp trong ngắn hạn để hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, xét về dài hạn, giá dầu vẫn sẽ chịu sức ép do triển vọng cung dư cầu giảm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nước OPEC đã tăng sản lượng khai thác trong tháng 9-2018 thêm 100.000 thùng/ngày, lên mức cao nhất trong năm nay là 32,78 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, số liệu từ Bộ Năng lượng Nga cho thấy sản lượng dầu trong tháng 10 tại nước này đã tăng lên 11,41 triệu thùng/ngày (so với mức 11,36 triệu thùng/ngày trong tháng 9).

Những năm gần đây, Mỹ đã nổi lên là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong hoạt động sản xuất “vàng đen”. Trong báo cáo tháng 12-2018 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ. Đây là một sự thay đổi hoàn toàn từ bối cảnh của thị trường năng lượng Mỹ suốt nhiều thập niên trước sau khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi những năm 1970 khiến Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vào năm 1975. Chính sách này mới được dỡ bỏ năm 2015, dưới thời của Tổng thống Barack Obama.

Theo Kyle Cooper, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn IAF Advisors, với việc gia tăng sản lượng và không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu các chế phẩm dầu mỏ thì kết quả trên là đương nhiên. Hiện sản lượng dầu của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày, cạnh tranh với 2 nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga. Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO), công bố ngày 6-11, EIA ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2018 sẽ đạt trung bình 10,9 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và ở mức trung bình 12,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019.

Trên quy mô toàn cầu, IEA dự báo nguồn cung dầu mỏ sẽ vượt cầu trong năm 2019, giữa bối cảnh nguồn cung tiếp tục tăng lên trong lúc nhu cầu tiêu thụ đối mặt với nguy cơ sụt giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, IEA giữ nguyên dự báo về mức tăng nhu cầu đối với dầu mỏ trong năm 2018 và 2019 so với tháng trước, với mức tăng thêm lần lượt là 1,3 triệu thùng dầu/ngày và 1,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay và năm tới.

Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ lần lượt ở mức trung bình 70 USD/thùng và 59 USD/thùng trong năm 2019. EIA cũng dự báo giá dầu Brent giao ngay được giao dịch ở mức trung bình 72 USD/thùng trong năm 2019 và giá dầu WTI sẽ ở mức khoảng 70 USD/thùng.

XUÂN KỲ

.
.
.