Di sản của Tổng thống George Herbert Walker Bush
Vị Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ, George Herbert Walker Bush đã qua đời ngày 1-12 (theo giờ Việt Nam) ở tuổi 94. Cố Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush gắn liền với cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 và việc đánh bật quân Iraq khỏi Kuwait.
Tổng thống George Herbert Walker Bush (giữa) sau cuộc họp với các cố vấn quân sự vào ngày 11-2-1991. |
TÁO BẠO TẤN CÔNG QUÂN IRAQ CHIẾM ĐÓNG KUWAIT
Cựu Tổng thống Bush cha vừa qua đời nhưng di sản của ông trên khắp vùng Trung Đông đã cắm rễ sâu trong cuộc chiến trên bộ ở Kuwait kéo dài 100 tiếng đồng hồ khiến cho lực lượng quân sự Iraq tại đây tan tác. Cuộc chiến đó đã kéo theo sự ra đời của mạng lưới các căn cứ quân sự mà nước Mỹ đang vận hành khắp vùng Vịnh Persian để hỗ trợ cho lực lượng của họ ở Afghanistan và các lực lượng chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo IS ở Iraq và Syria.
Iraq đưa quân vào chiếm Kuwait vào ngày 2-8-1990 với lý do Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phớt lờ các hạn ngạch OPEC. Tổng thống Saddam cho rằng việc phớt lờ này đã khiến Iraq thiệt hại 14 tỷ USD. Saddam cũng tố Kuwait đánh cắp 2,4 tỷ USD bằng việc bơm dầu thô từ một mỏ dầu tranh chấp và yêu cầu Kuwait xóa khoản nợ 15 tỷ USD mà Iraq mắc phải trong cuộc chiến tranh với Iran thập niên 1980.
Tổng thống Bush cha từng là phi công tiêm kích thời thế chiến 2, đối đầu với quân phát xít Nhật, và ông đã tiến tới chỗ coi Saddam Hussein là tương đồng với trùm phát xít Đức Adolf Hitler. Trong mắt Tổng thống Bush, ông Saddam sau khi chiếm Kuwait có thể đẩy cả thế giới vào xung đột nếu tiếp tục thọc sâu lực lượng sang cả Saudi Arabia.
Do lo ngại nguy cơ đơn độc và sa lầy, ông Bush tập hợp một liên minh quốc tế đa dạng hậu thuẫn cho Mỹ khi nước này triển khai lực lượng tới khu vực vùng Vịnh và bắt đầu các cuộc ném bom. Các đồng minh châu Âu và Trung Đông của Mỹ đã tham gia cuộc chiến chớp nhoáng đó. Riêng Mỹ góp hơn 400.000 quân. Ông Bush cũng thuyết phục Israel không trả đũa các cuộc phóng tên lửa Scud của Iraq do lo ngại điều đó có thể làm phật lòng các đồng minh Arab.
Vào ngày 24-2-1991, quân đội Mỹ và đồng minh đột kích vào Kuwait. Cuộc tấn công kết thúc sau 100 tiếng đồng hồ. Trong toàn chiến dịch, Mỹ chỉ mất 148 binh sĩ, còn phía Iraq có tới hơn 20.000 lính tử trận. Cuộc chiến vùng Vịnh 1991 là lần đầu tiên thế giới được biết về những bước tiến lớn trong các vũ khí chính xác mà quân Mỹ sử dụng.
Tuy nhiên cuối cùng thì Tổng thống Bush cha đã phải bỏ mặc các thành viên phong trào người Shiite và Kurd ở Iraq mà ông đã hối thúc nổi dậy chống lại Tổng thống Saddam. Các phong trào này sau đó đã bị trấn áp tại Iraq.
Đến năm 2008, Tổng thống Bush con (George W. Bush) đã phát động cuộc chiến xâm chiếm Iraq và lật đổ thành công Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Tổng thống Bush con từng mô tả ông Saddam là “người từng muốn giết cha tôi”.
BIẾT ĐIỂM DỪNG
Sau chiến dịch quân sự đánh bật quân Iraq khỏi Kuwait, một số người kêu gọi Tổng thống Bush cha tiếp tục đưa quân vào lãnh thổ Iraq và lật đổ Tổng thống Saddam. Còn Tổng thống Bush trong các phát biểu của mình đã khuyến khích người dân Iraq đứng lên chống lại nhà lãnh đạo Saddam. Ông Bush bí mật hy vọng ai đó trong quân đội của Saddam sẽ tạo phản để hạ bệ Saddam.
Về sau Tổng thống Bush cha giải thích về việc không đưa quân vào Iraq như sau: “Nếu chiếm Iraq thì điều đó sẽ đập tan liên minh của chúng ta, sẽ làm cho cả thế giới Arab quay ra chống chúng ta, và làm cho Saddam trở thành một anh hùng Arab… Điều đó cũng sẽ khiến chúng ta đi qua giới hạn của luật pháp quốc tế, bắt những người lính trẻ đi săn lùng một nhà độc tài được bảo vệ vững chắc và buộc họ phải chiến đấu trong một cuộc chiến du kích đô thị mà ta không thể giành chiến thắng được”.
Việc Mỹ năm 1991 không đánh vào lãnh thổ Iraq được xem là điều khôn ngoan nếu tính đến hậu quả nặng nề của cuộc chiến Iraq 2003 do Tổng thống Bush con phát động. Tuy nhiên sự ngần ngừ đó của ông Bush cha đã tạo điều kiện cho Tổng thống Iraq Saddam giành lại thế thượng phong trước các lực lượng nổi dậy được Mỹ xúi giục. Đã xảy ra khủng hoảng tị nạn ở khu vực người Kurd miền bắc Iraq khi đó.
Các quyết định của Tổng thống Bush cha vào thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh lần 1 này vẫn có hậu quả “vang vọng” đến tận ngày nay. Cuộc khủng hoảng người Kurd đã dẫn tới chỗ Mỹ áp đặt vùng cấm bay ở miền Bắc Iraq, cho phép người Kurd phát triển trong khu vực bán tự trị mà nay đang đòi độc lập. Và sự hiện diện của quân Mỹ ở Saudi Arabia sau cuộc chiến 1991 đã trở thành mục tiêu chỉ trích chính của thủ lĩnh nhóm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden trước khi xảy ra loạt tấn công khủng bố 11-9-2001.
TRUNG HIẾU