.

Chumlong Lemtongthai - ông vua sừng tê giác ở Nam Phi

Cập nhật: 15:53, 14/12/2018 (GMT+7)

Tháng 6-2011, Cơ quan Cảnh sát chống mua bán động vật hoang dã Nam Phi bắt giữ Chumlong Lemtongthai, người Thái Lan tại TP.Petoria, Nam Phi. Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2003 đến 2010, đường dây của Chumlong đã đưa ra khỏi Nam Phi 650 chiếc sừng tê giác, trị giá hơn 300 triệu USD trên thị trường chợ đen.

Chumlong bên cạnh một con tê giác do ông ta bắn chết.
Chumlong bên cạnh một con tê giác do ông ta bắn chết.

CHUMLONG VÀ ĐƯỜNG DÂY SĂN BẮN TÊ GIÁC

Thoạt nhìn, Chumlong Lemtongthai cũng giống như nhiều người đàn ông Đông Nam Á khác: Dáng thấp đậm, da ngăm đen, tóc ngắn, ăn mặc khá tuềnh toàng, cổ đeo một sợi dây bện bằng chỉ ngũ sắc mà trong thế giới tâm linh, nó là một loại “bùa” giúp cho người đeo nó thoát khỏi mọi tai ương, tật ách. Chumlong cho biết ông ta đã “thỉnh” đạo bùa ấy tại một ngôi chùa ở Myanmar với giá 20.000USD!

Trước ngày bị bắt, Chumlong được biết đến như “một trong hai ông vua sừng tê giác” ở Nam Phi (người còn lại là Vixay Keosavang, người Lào). Lợi dụng Luật săn bắn thể thao của Nam Phi, mỗi năm cho phép du khách được trả tiền để bắn một số lượng cá thể tê giác giới hạn, và được phép mang tất cả mọi bộ phận của con tê giác ấy ra khỏi biên giới một cách hợp pháp, Chumlong đã tổ chức một đường dây săn tê giác để lấy sừng dưới hình thức mua giấy phép cho 5 du khách chẳng hạn, nhưng số người bắn thì nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba. Viktor Maller, sĩ quan thuộc Đội chống săn bắt động vật hoang dã ở Petoria, Nam Phi cho biết: “Nếu như từ năm 2003 trở về trước, du khách đăng ký săn tê giác là người Mỹ, Canada hoặc một số quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Italia… thì từ 2003 đến nay, người châu Á chiếm đa số, trong đó Chumlong Lemtongthai là khách hàng quen thuộc”.

Hai tay súng trong đường dây săn trộm tê giác của Chumlong bị bắt.
Hai tay súng trong đường dây săn trộm tê giác của Chumlong bị bắt.

Vẫn theo sĩ quan Viktor Maller, giá tiền du khách phải trả cho Chính phủ Nam Phi để bắn một con tê giác dao động từ 50.000 đến 85.000USD, tùy theo đó là tê giác đen hay tê giác trắng. Với những du khách châu Âu, sau khi bắn, phần lớn họ chỉ chụp hình lưu niệm, thỉnh thoảng mới có người đem hộp sọ tê giác về nhà làm vật trang trí, nhưng người châu Á sau khi bắn xong, họ lập tức cưa sừng. Tùy theo trọng lượng, kích thước, chiếc sừng ấy có thể bán được từ 250.000 đến 400.000USD trên thị trường chợ đen.

Theo niềm tin của nhiều “đại gia” ở một số quốc gia châu Á, sừng tê giác được xem như một loại “siêu thần dược”. Nó có khả năng chữa lành bệnh ung thư, giúp xổ hết chất độc trong người (?!), tăng cường khả năng tình dục cho nam giới. Nhưng tiến sĩ Charles L.Yuen, thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đó chỉ là những lời đồn thổi. Kết quả phân tích của các chuyên gia WHO đã chứng minh rằng thành phần cấu tạo của sừng tê giác chẳng khác gì móng tay người, và uống sừng tê giác cũng giống như… mài móng tay ra uống mà thôi!

ĐÂU LÀ CÔNG LÝ?

Tuy nhiên, niềm tin vào “sức mạnh” của sừng tê giác vẫn lớn hơn các nghiên cứu khoa học, và những đường dây buôn lậu mặt hàng này vẫn phát triển không ngừng. Báo cáo của cảnh sát Nam Phi cho thấy đường dây của Chumlong bắt đầu hoạt động từ tháng 9-2003. Cứ đến mùa săn, Chumlong thuê 20 gái mại dâm Thái Lan với giá 550USD/người để “đi nghỉ hè” ở Nam Phi trong thời gian 30 ngày. Khi họ đồng ý, Chumlong lấy hộ chiếu của họ rồi đăng ký với chính quyền Nam Phi, xin phép săn tê giác như những du khách bình thường khác. Thakhonni, một gái mại dâm trong đường dây của Chumlong khai với cảnh sát Petoria: “Tại Nam Phi, chúng tôi được mướn khách sạn cho ở. Trong 30 ngày, chúng tôi chẳng phải làm gì, chỉ ăn rồi đi chơi. Gần đến ngày về, ông Chumlong mang sừng tê giác đến giao cho chúng tôi, mỗi người một chiếc với giấy chứng nhận của Cục bảo vệ động vật hoang dã, xác nhận những chiếc sừng tê giác ấy được săn bắn hợp pháp”.

Vẫn theo cảnh sát Nam Phi, đội săn Chumlong có khoảng 15 tay súng, núp bóng giấy phép của gái mại dâm để bắn tê giác. Và thay vì mỗi mùa chỉ được phép bắn không quá 10 con theo quy định, số lượng tê giác bị giết lại nhiều gấp hàng chục lần. Những tay súng ấy hầu hết là nông dân nghèo, sau khi nhận tiền của Chumlong - thường là 1.500USD cho mỗi con tê giác, họ cưa lấy sừng rồi vận chuyển theo những con đường bí mật đến điểm tập kết. Tại đó, ngoài những chiếc sừng “hợp pháp” được giao cho gái mại dâm mang ra khỏi biên giới, số còn lại được đưa đến Togo và cuối cùng là Hong Kong.

Một trong những nhân vật tích cực giúp đỡ Chumlong là Johnny Olivier, thông dịch viên người Nam Phi. Tuy nhiên, khi con tê giác thứ 50 bị bắn thì Oliver cảm thấy hối hận. Ông ta khai với cảnh sát: “Tôi nhận ra rằng việc săn bắn tê giác hoàn toàn là vì tiền chứ không phải để giải trí, tôi cũng ý thức rằng những con tê giác này là di sản của quốc gia…”. Trong suốt năm 2010, Oliver đã tích cực hợp tác với cảnh sát và Cục bảo vệ động vật hoang dã Nam Phi. Cuối cùng, một bản kết luận điều tra dày 222 trang đã hoàn tất, mô tả chi tiết đường dây săn bắn tê giác để lấy sừng của Chumlong. Tháng 6-2011, ông vua sừng tê giác bị bắt. Các công tố viên nói về Chumlong như sau: “Là kẻ chủ mưu lớn nhất trong lịch sử tội phạm môi trường ở Nam Phi với 650 con tê giác đã bị bắn từ năm 2003 đến năm 2011, trong đó có khoảng 520 con bị bắn lậu dựa vào giấy phép săn bắn hợp pháp”.

Năm 2012, Chumlong ra tòa và nhận mức án 40 năm tù giam. Trước vành móng ngựa, ông ta nói: “Tôi là doanh nhân hợp pháp. Tôi chỉ là cầu nối giúp du khách có giấy phép săn bắn hợp pháp ở Nam Phi để nhận hoa hồng. Tôi chưa bao giờ săn trộm”. Bên cạnh đó, Chumlong còn cho rằng ông ta “chỉ là vật tế thần của những nhóm tội phạm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về luật pháp Nam Phi của ông ta để đưa sừng tê giác ra khỏi biên giới…”.

Năm 2014, Chumlong được giảm án xuống còn 13 năm tù giam và phải nộp 78.000USD tiền phạt nhưng đến tháng 9-2018, ông ta được ân xá và bị trục xuất về Thái Lan, mặc cho những lời chỉ trích của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới, cũng như của một số quan chức trong Chính phủ Nam Phi. Theo cảnh sát Nam Phi, nhân vật đứng sau lưng Chumlong là Vixay Keosavang, công dân Lào, người được giới mua bán sừng tê giác quốc tế đặt cho biệt danh là “Pablo Escobar sừng tê giác” (Pablo Escobar là ông trùm ma túy ở Colombia). Tuy nhiên Chumlong bác bỏ cáo buộc này và khẳng định rằng mình không hề có mối liên hệ nào với Vixay Keosavang.

Sau khi Chumlong bị bắt, Chính phủ Nam Phi đã siết chặt các quy tắc săn bắn thể thao nhưng theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, “luật chơi” vẫn như cũ, chỉ có điều là nó rút vào bóng tối với những hoạt động  ngày càng bí mật hơn mà thôi…

VŨ CAO

Theo Africa Today: Inside the Dark World

.
.
.