.

Những chuyện khó tin về sự "đầu thai" - Bài 1: Mối quan hệ ngược đời

Cập nhật: 11:46, 30/11/2018 (GMT+7)

Theo quan điểm của một số tôn giáo, cái chết chưa phải là dấu chấm hết cho một kiếp người, mà là sự khởi đầu của một hình thái sống khác, gọi là “đầu thai”. Sau hơn 10 năm nghiên cứu về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jim Tucker thuộc Bộ môn Tâm thần, Đại học Y khoa Virginia, Mỹ, đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề Return to Life (Đầu thai), gây xôn xao dư luận. Trong cuốn sách ấy, Jim Tucker kết luận rằng đầu thai là chuyện có thật.

Cậu bé James lúc 6 tuổi (mà phi công James đã đầu thai vào cậu) cùng cha mẹ.
Cậu bé James lúc 6 tuổi (mà phi công James đã đầu thai vào cậu) cùng cha mẹ.

Nhân vật mà Tiến sĩ Jim Tucker đưa vào chương thứ nhất của cuốn Đầu Thai là cậu bé Mike Christfield, 8 tuổi, sống ở thị trấn Tucson, bang Alabama, Mỹ, con ông Mitch Christfield, thợ mộc và bà Ruth Lancer, giáo viên. Từ lúc sinh ra đến năm 8 tuổi, Mike cũng bình thường như những đứa trẻ khác. Ông Mitch nói: “Chiều hôm ấy, khi tôi đón nó từ trường học về thì lúc xe đi ngang một căn nhà nằm trên phố Bronx, nó bảo tôi dừng lại. Thoạt đầu, tôi không hiểu nó muốn gì nhưng thấy nó quá cương quyết nên tôi chiều theo ý nó…”.

Xe vừa tấp sát lề, Mike Christfield mở cửa bước xuống rồi đi thẳng vào nhà. Chủ nhà là bà Connie Sworthy, 47 tuổi, lúc ấy đang ngồi xem truyền hình kể: “Thằng bé xồng xộc đến trước mặt tôi rồi nó hỏi: “Sao em không sửa cái cầu thang? Còn món nợ của vợ chồng Humprey, em phải nhắc họ chứ! Hôm trước đã bảo em chuyển tiền tiết kiệm sang Ngân hàng Mahattan rồi mà em cũng chẳng làm…”.

Bà Connie điếng người khi nghe những câu nói từ miệng thằng bé 8 tuổi. 4 năm trước, chồng bà bị tai nạn chấn thương cột sống, đi lại rất khó khăn nên ông đã bảo bà sửa lại cái cầu thang lên lầu cho nó bớt dốc. Lúc mổ xong, ông bị viêm tủy xương, dẫn đến nhiễm trùng máu. Vài ngày trước khi chết, ông còn yêu cầu bà phải làm một số việc. Bà Connie nói: “Những chuyện ấy chỉ có vợ chồng tôi biết nhưng sao thằng bé này lại biết?”. Ông Mitch, cha của Mike nói tiếp: “Khi tôi hỏi nó là gì của bà Connie thì nó nói nó là… chồng bà! Để kiểm chứng, bà Connie yêu cầu nó kể ra một số những kỷ niệm hồi ông bà mới quen nhau thì nó kể vanh vách”.

Cuốn sách Return to Life của Tiến sĩ Tucker.
Cuốn sách Return to Life của Tiến sĩ Tucker.

Sau câu chuyện kinh khủng đó, Mike tự dưng lại quên hẳn những gì đã xảy ra. Nó trở lại bản chất của một thằng bé 8 tuổi ham ăn, ham chơi nhưng đôi lần, nó yêu cầu ông Micth phải đưa nó đi thăm… vợ nó! Bà Connie cho biết chỉ đến khi bà sửa xong cái cầu thang, đòi xong món nợ và chuyển tài khoản tiết kiệm sang ngân hàng mà Mike yêu cầu thì “thằng chồng bé con” của bà mới thôi không xuất hiện. Ông Mitch nói: “Tốt nghiệp đại học, Mike đi làm rồi lấy vợ. Có lần tôi nhắc  đến tên bà Connie thì nó ngơ ngác. Rõ ràng là nó không hề nhớ những gì nó đã nói với bà Connie. Theo suy nghĩ của tôi, ký ức về bà Connie là một mảnh ghép của chồng bà ấy lang thang trong vũ trụ, một lúc nào đó tình cờ tình cờ đi lạc vào não Mike rồi lại tự thoát ra…”.

Trường hợp thứ 2 được Tiến sĩ Jim Tucker đưa vào cuốn “Đầu Thai” là cậu bé Hunter, 2 tuổi, ở hạt Santa Clara, bang California. Một hôm, lúc ngồi xem kênh truyền hình Golf Channel với cha mình là ông Sammuels, và khi Golf Channel chiếu lại một đoạn phim tư liệu nói về tay golf huyền thoại của thập niên 30 thế kỷ trước là Bobby Jones thì Hunter đã nói với cha mình, rằng cậu chính là… Bobby!

Ban đầu, ông Sammuels suýt té ngửa khi nghe thằng con trai 2 tuổi phát âm  rành rọt từng từ một. Ông hỏi lại nó: “Con vừa nói gì?”. Hunter đáp: “Con là Bobby và từ nay, hãy gọi con là Bobby”. Ông Sammuels hỏi tiếp: “Con có biết Bobby là ai không?”. Hunter trừng mắt nhìn cha: “Ông đừng có nói giỡn à! Ông thử hỏi cả nước Mỹ xem có ai không biết tôi không? 6 lần vô địch Cúp Liên bang, trong đó có lần đánh bại Spencer Tillmann chỉ bằng 14 gậy”.

Lần này thì ông Sammuels sững sờ. Làm sao mà một thằng bé mới 2 tuổi lại biết nó 6 lần vô địch giải Golf Liên bang. Để kiểm tra, Sammuels cho con trai xem 9 bức hình, chụp 9 tay golf ở nhiều thời điểm khác nhau từ những năm 1930, trong đó có người còn sống và có người đã chết rồi và hỏi: “Ai là Bobby Jones?”. Chẳng cần suy nghĩ, Hunter chỉ ngay vào hình Bobby: “Tôi đây này”. Ông Sammuels nói: “Tôi cho nó xem hàng loạt ảnh chụp nhiều ngôi nhà -  trong đó có cả nhà của Bobby Jones lúc còn thơ ấu. Rất nhanh chóng, nó chỉ ngay vào ngôi nhà của Bobby Jones rồi mô tả tất cả những đồ vật trong nhà, y như đó là nhà của nó”.

Năm lên 3 tuổi, Hunter xách gậy ra sân chơi golf. Mặc dù chưa hề học một ngày nào nhưng cách chơi của Hunter thể hiện trình độ của một người lão luyện. Vì thế, cậu bé được đặc cách cho gia nhập câu lạc bộ golf ở Santa Clara. Năm 7 tuổi, Hunter đã 41 lần vô địch trong số 50 giải đấu và được xem là có khả năng thay thế Tiger Woods - tay golf người Thái Lan giỏi nhất hiện giờ.

Theo Tiến sĩ Tucker, hiện tượng “đầu thai” có thể lý giải là trong mỗi cơ thể con người đều tồn tại một dòng điện, gọi là điện sinh học. Nhờ dòng điện này mà khi vào bệnh viện, các bác sĩ có thể đo được điện tim, điện não, điện cơ… Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và cơ địa, điện sinh học của mỗi người lại có mỗi tần số khác nhau. Nếu hai tần số ấy giồng nhau thì đó là sự giao thoa sinh học. Tiến sĩ Tucker nói: “Giao thoa sinh học - hay còn gọi là “thần giao cách cảm” - thường xuất hiện ở những người cùng một gia đình. Chẳng hạn như anh A một hôm đi làm bỗng cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hồi hộp. Vài phút sau, anh nhận được tin người nhà bị tai nạn. Sở dĩ có hiện tượng ấy là khi bị tai nạn, người nhà anh A mong muốn được gặp anh. Sự mong muốn theo dòng điện sinh học, tương tác với anh A, gây ra hiệu ứng bồn chồn, lo lắng…”.

Vẫn theo Tiến sĩ Tucker, tương tác sinh học không chỉ xảy ra ở những người cùng chung huyết thống, mà ngay cả những người xa lạ. Ông nói: “Đó là cách giải thích rõ ràng nhất về trường hợp những người chỉ gặp gỡ, tiếp xúc với nhau một vài lần nhưng lại thân nhau rất nhanh chóng”. Và không chỉ tương tác giữa người sống với người sống, mà còn giữa người chết với người sống vì khi chết đi, điện sinh học vẫn tồn tại trong vũ trụ một thời gian. Tiến sĩ Tucker nói tiếp: “Trong gần 2.000 trường hợp “đầu thai” mà tôi trực tiếp khảo sát thì người đầu thai luôn nằm trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Đây là giai đoạn mà các nơ ron thần kinh não bộ tiếp nhận thông tin nhanh nhạy nhất. Theo nhận định của tôi, điện sinh học của một người nào đó đã chết, vô tình giao thoa với diện sinh học của một người còn sống, dẫn đến hiện tượng người ấy có thể kể rất rõ những chuyện liên quan đến người chết mặc dù người sống có thể ra đời sau người chết vài chục năm…”.

Tuy nhiên, tất cả những trường hợp “đầu thai” do Tiến sĩ Tucker ghi nhận, không trường hợp nào có một ký ức hoàn chỉnh, mà chỉ là những mảnh rời, không tồn tại vĩnh viễn. Như cậu bé Mike Christfield chẳng hạn, sau khi “bà vợ” Connie thực hiện xong những di nguyện của người chồng đã chết thì Mike trở về với nhân cách thật, và cậu chẳng hề nhớ được những gì đã nói với bà Connie.

Tiến sĩ Tucker, nói: “Một trường hợp nữa mà tôi đã từng khảo sát là cậu bé Ryan, 5 tuổi, ở bang Oklahoma. Cậu ta tự nhận mình là Marty Martin, một trong những nhà phát hành phim lớn nhất ở Hollywood trong thập niên 30 thế kỷ trước”.

Marty Martin là người nổi tiếng trong giới thượng lưu ở Hollywood. Ông ta đã kết hôn 4 lần và từng đi nhiều nước trên thế giới để ký kết những hợp đồng phát hành phim. Năm 1964, Marty Martin chết vì bệnh ung thư ở Los Angeles.

Khi nhận mình là Marty Martin, Ryan đã làm tiến sĩ Tucker kinh ngạc khi cậu ta mô tả thành phố Paris, tháp Eiffel, cùng căn phòng trong khách sạn Royale - nơi mà Marty Martin đã ở khi ông ta đến Pháp, cũng như đã đấm vào mặt một vệ sĩ của nữ diễn viên lừng danh Marilyn Monroe như thế nào. Tiến sĩ Tucker, nói: “Tôi cho cậu bé coi một đoạn phim tài liệu hậu trường của bộ phim Night After Night, thực hiện năm 1932, Ryan đã chỉ vào 2 nhân vật trong nhóm người trên phim: “Đó là diễn viên George Raft, còn đây là tôi”. Điều lạ lùng nhất là đoạn phim tài liệu này chưa bao giờ được trình chiếu ở bất cứ nơi nào…

Vũ Cao

(Theo Return to Life)

.
.
.