Mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga ngày càng bền chặt và hiệu quả
Cập nhật: 19:06, 19/11/2018 (GMT+7)
Ngày 19-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 19-11.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev. |
Bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Medvedev, người đóng góp tích cực, trách nhiệm cho mối quan hệ Việt Nam - Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên vừa có cuộc hội đàm hết sức thực chất và hiệu quả, đánh giá kết quả đạt được trong hợp tác giữa hai nước thời gian qua, thảo luận và thống nhất các phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương thời gian tới. Hai Thủ tướng cùng chung đánh giá về quan hệ đặc biệt, truyền thống hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, quan hệ chính trị tin cậy cao, đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trên trường quốc tế, trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong mối quan hệ hai nước. Mối quan hệ đó ngày càng năng động và hiệu quả.
Để củng cố thực chất quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, duy trì trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phối hợp chặt chẽ trong năm 2019 – 2020 tổ chức thành công Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga và 70 năm quan hệ ngoại giao hai nước.
Thời gian qua, trao đổi thương mại Việt Nam tiếp tục chiều hướng tăng trưởng tích cực. Năm 2017, kim ngạch hai chiều đạt trên 3,55 tỷ USD, tăng 31%, 9 tháng đầu năm 2018 đạt trên 3,45 tỷ USD, tăng đến 38%. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, tranh thủ tối đa các thuận lợi, ưu đãi để phấn đấu tạo bước đột phá trong thương mại đầu tư, nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong năm 2020. Có biện pháp hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng, giao thông, nông nghiệp, du lịch… Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản giữa hai nước.
“Chúng tôi hài lòng nhận thấy hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ, văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, hợp tác giữa các địa phương hai nước đều đạt kết quả tích cực và nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nhiều tiềm năng này trên cơ sở các chương trình hợp tác đã ký kết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc tăng cường nỗ lực nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
ĐỨC TUÂN