Liên hợp quốc chỉ trích các nước rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư
Trước tình hình một số quốc gia có ý định rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư dự kiến được thông qua vào tháng 12 tới tại Maroc, ngày 28-11, Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề di cư quốc tế Louise Arbour đã chỉ trích hành động này làm xấu hình ảnh của những nước đó và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần chủ nghĩa đa phương.
Người di cư trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh ở ngoài khơi bờ biển Calais, Pháp. |
Bà Arbour cho biết để có được Hiệp ước toàn cầu về di cư, các nước liên quan đã phải trải qua quá trình thương thảo trong nhiều tháng mới có thể đạt được sự đồng thuận vì nước nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên và không nhân nhượng. Bà bày tỏ thất vọng khi một số nước đã ký hiệp ước nay lại thay đổi quyết định.
Trước đó, các nước Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo và Slovakia đã công bố ý định rút khỏi hiệp ước trên. Tuy nhiên, hiện phần lớn các nước đã ký hiệp ước vẫn giữ cam kết đối với cơ chế hợp tác không mang tính ràng buộc được xây dựng với mục tiêu rõ ràng là giúp cho việc di cư quốc tế được an toàn, có trật tự và đều đặn này.
Hiệp ước toàn cầu về di cư được khởi xướng tháng 9-2016 nhằm giải quyết những mối lo chung của các nước tham gia ký đồng thời giúp đảm bảo chủ quyền của mỗi nước cũng như nhìn nhận những khó khăn, bất trắc mà người di cư phải đối diện để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Là Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về di cư quốc tế, bà Arbour khẳng định khi thỏa thuận này được thực hiện, chắc chắn người di cư và cả những nước tham gia ký đều hưởng lợi do thỏa thuận này giúp giảm thiểu những mặt tiêu cực trong vấn đề di cư. Bà cho rằng chính sách liên quan di cư của các chính phủ cần được xây dựng dựa trên số liệu cụ thể và thực tế. Bà nêu rõ: “Nhiều nước trên thế giới hiện nay phải nhập khẩu lao động và nếu những nước này muốn duy trì các tiêu chuẩn kinh tế hiện tại và tiếp tục tăng trưởng kinh tế thì họ phải tiếp tục nhận lao động nước ngoài có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu của chính nước họ. Ngăn chặn lao động từ các nước khác sang chắc chắn sẽ chỉ gây phản tác dụng”.