Thị trường chứng khoán và giá dầu cùng nhau giảm
Tình trạng bán tháo các cổ phiếu được cho là bị định giá quá cao cùng việc giới đầu tư bị tác động lớn từ tình hình kinh tế thế giới đã khiến thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục “tụt dốc” trong phiên giao dịch ngày 11-10.
Tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 2,1% xuống đóng phiên ở mức 25.052,83 điểm, chỉ số S&P 500 cũng giảm 2,1% xuống 2.728,37 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,3% xuống 7.329,06 điểm. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 1,9% xuống 5.106,37 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 1,5% xuống 11.539,35 điểm, còn tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 1,9% xuống 7.006,93 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 để mất 1,8% xuống 3.209,19 điểm. Mở cửa phiên sáng 12-10, thị trường chứng khoán Tokyo giảm 1% (239,23 điểm) xuống 22.351,63 điểm, sau khi để mất hơn 3% giá trị trong phiên trước đó.
Chuyên gia phân tích Charles Schwab nhận định tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu vẫn khá “khó đoán định” trong bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng gần đây, dẫn đầu là trái phiếu chính phủ, cũng như những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ quá vội vàng của Ngân hàng dự trữ trung ương Mỹ (Fed) bất chấp những rủi ro ngày càng tăng.
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 11-10, giá dầu thế giới rơi xuống dưới mức thấp nhất hơn hai tuần, do thị trường cổ phiếu lao dốc và dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước lại tăng mạnh hơn dự kiến. Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,2 USD (3,01%), xuống 70,97 USD/thùng, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21-9. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 2,83 USD (3,41%), xuống 80,26 USD/thùng, sau khi từng rơi xuống mức 79,80 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 24-9.
Một lý do khác là OPEC vừa hạ dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm 2019, đánh dấu lần cắt giảm dự báo trong tháng thứ 3 liên tiếp.
MINH TRANG