.

Những nước đi đầu trong việc chống lãng phí thức ăn thời @

Cập nhật: 19:04, 02/10/2018 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều ứng dụng di động đã ra đời, giúp tránh tình trạng lãng phí thực phẩm. Theo đó, người bán giảm lượng rác thực phẩm, tăng doanh thu, trong khi nhiều người tiêu dùng dễ dàng chọn được nhiều sản phẩm phù hợp.

Chọn món ăn qua ứng dụng Too Good To Go.
Chọn món ăn qua ứng dụng Too Good To Go.

Một trong những quốc gia đi đầu trong việc tuyên chiến với lãng phí thực phẩm ở châu Âu là Pháp. Người dân Pháp ngày càng có ý thức chống lãng phí thức ăn, nhất là trong vòng hơn 2 năm qua, kể từ khi Quốc hội Pháp thông qua Luật chống lãng phí thực phẩm vào tháng 2-2016. Cũng nhờ thói quen này, lượng thực phẩm bị vứt vào thùng rác ở Pháp, trong đó có thủ đô Paris, đã giảm nhiều. Đây là tín hiệu tích cực, vì Paris luôn đứng đầu danh sách là thành phố có lượng thực phẩm bị lãng phí lớn ở Pháp.

Một nguồn gây lãng phí lớn ở Paris là các siêu thị, nhà hàng và đây cũng là đối tượng được nhiều startup công nghệ nhắm tới. Điển hình là ứng dụng OptiMiam ra đời từ năm 2014. OptiMiam có 900 đối tác là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh như Subway, Franprix, Carrefour City. Các siêu thị, cửa hàng đối tác trên ứng dụng  OptiMiam ghi rõ loại thực phẩm còn dư mà họ bán rẻ. Trong khi đó, ứng dụng khác là Zero-gachis lại liệt kê các mặt hàng sắp tới ngày hết hạn sử dụng và được bán rẻ tại hơn 100 siêu thị.

Một ứng dụng nữa cũng được nhiều người dân Pháp chọn lựa là The Food Life, do ông Arash Derambarsh, Cố vấn hội đồng TP.Colombes ở ngoại ô Paris và ông Marc Simoncini, người sáng lập trang web hẹn hò Meetic cho ra mắt vào năm 2017. Ứng dụng này hướng tới phục vụ các hiệp hội từ thiện. Trên ứng dụng có tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của các siêu thị đối tác. Hàng ngày, các siêu thị thông báo lượng thực phẩm tươi sống không bán hết mà họ muốn phân phát cho các hiệp hội từ thiện cũng như giờ giấc phân phát.

Mới đây nhất, vào ngày 12-7 năm nay, Hiệp hội HopHopFood tung ra ứng dụng cùng tên. Nhưng khác với các ứng dụng khác làm nhịp cầu kết nối nhà kinh doanh ăn uống và người tiêu dùng hay các hiệp hội từ thiện, ứng dụng HopHopFood lại là nhịp cầu để các cá nhân, thường là những người sống trong cùng khu phố, trao đổi với nhau các món ăn hoặc thực phẩm mà họ không dùng hết như sữa chua, rau quả. Nhưng các loại thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá… không được phép trao đổi. Người dùng ứng dụng có thể đăng ký là người cho hoặc nhận thức ăn, hoặc cả hai.

Ngoài các ứng dụng, một sáng kiến chống lãng phí thức ăn đã gây tác động lớn đến người dân chỉ bằng internet. Hồi tháng 6-2017, một chiếc tủ lạnh được gọi tên là “tủ lạnh đoàn kết” được đặt trên vỉa hè gần ở số nhà 46, phố Ramey, quận 18, Paris. Chiếc tủ lạnh là nơi các chủ nhà hàng, cửa hiệu cho món ăn còn dư, hay thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau, đồ hộp không bán hết vào, để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi 2 diễn viên Baptiste Lorber và Natoo tung lên YouTube đoạn phim ngắn ca ngợi “tủ lạnh đoàn kết”, video đã thu hút hơn 2 triệu lượt người xem và được chia sẻ rất nhiều trên các mạng xã hội.

Hiệu ứng truyền thông mạng này giúp Paris và nhiều thành phố trên nước Pháp có thêm nhiều “tủ lạnh đoàn kết”. Hoạt động quyên góp lắp thêm tủ lạnh đang diễn ra ở nhiều nơi. Những chiếc tủ lạnh còn mang một thông điệp đầy ý nghĩa của người dân Paris, đó là chống lãng phí thực phẩm không đơn giản chỉ là giảm lượng thức ăn thừa, mà còn đồng nghĩa với việc giúp đỡ những người khó khăn có thêm một chút thức ăn, thức uống.

Cùng với Pháp, nhiều ứng dụng chống lãng phí thực phẩm đã ra đời tại các nước châu Âu. Được triển khai rộng rãi nhất ở châu Âu là ứng dụng Too Good Too Go (TGTG) ra đời tại Đan Mạch 2 năm trước. Chỉ từ năm 2016 đến nay, TGTG đã kết nối với hàng ngàn nhà hàng, quán ăn, cửa hàng để luân chuyển lượng thức ăn vào cuối ngày đến tay khách hàng. Giá suất ăn này thông thường chỉ rẻ bằng 1/3 đến 1/4 giá một suất ăn mua trong ngày. Chỉ cần tải ứng dụng miễn phí về điện thoại, người dùng sẽ nhận được thông tin về các cửa hàng gần nơi họ có mặt, số suất ăn mà cửa hàng còn vào giờ đóng cửa, giờ khách có thể đến lấy thức ăn mang về, giá của suất ăn, địa chỉ cửa hàng. Với vài thao tác giản đơn, khách hàng có thể đặt món với nhà hàng, thanh toán qua mạng và chỉ đợi đến giờ là tới mang suất ăn về. TGTG gọi đó là các suất ăn bất ngờ, vì gồm những món nhà hàng làm nhiều nhưng không bán hết, khách hàng không biết trước sẽ mua được món gì và không phải ngày nào cũng có cùng một món.

Riêng tại Thụy Điển có ứng dụng Karma rất nổi tiếng. Chính thức ra mắt vào năm 2016, thị trường mà Karma tạo ra giúp những người kinh doanh thực phẩm bớt đau đầu vì lãng phí thức ăn. Thực phẩm chưa bán được sẽ tới tận tay khách hàng với mức giá giảm cực tốt. Karma đã hợp tác với hơn 1.500 nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, khách sạn, quán cà phê, tiệm bánh... Quy tắc mà Karma đặt ra là thực phẩm vẫn phải còn hạn sử dụng, giá giảm dưới 50% so với giá gốc, để giúp giảm lượng thực phẩm tồn dư bằng cách phân phối cho hơn 350.000 người dùng. Khi đã chọn được món ưng ý, bước tiếp theo là thanh toán qua ứng dụng trước khi hết giờ. Bạn cũng có thể theo dõi một hay nhiều nhà hàng/tiệm tạp hóa và nhận thông báo mỗi khi họ có món mới lên kệ.

NGỌC NGA
(Tổng hợp)

.
.
.