Những nữ gián điệp nổi tiếng thế giới
Lịch sử tình báo thế giới ghi nhận nhiều gián điệp xuất sắc là nữ giới, bởi họ có những lợi thế riêng để lấy được thông tin mật từ đối phương. Dưới đây là một số nữ gián điệp nổi tiếng.
MATA HARI
Nữ điệp viên huyền thoại Mata Hari đã đi vào lịch sử thế giới không chỉ bởi vẻ đẹp quyến rũ, nóng bỏng, mà còn bởi bà bị nghi ngờ là điệp viên hai mang. Trong một thế kỷ kể từ khi Hari bị hành hình, nhiều câu chuyện về bà vẫn còn là một bí ẩn.
Mata Hari là nghệ danh của vũ nữ Margaretha Geertruida Zelle Aka. Bà sinh năm 1876 tại Hà Lan. Năm 18 tuổi, Mata Hari quyết định đính hôn với một sĩ quan quân đội Hà Lan chỉ sau 6 ngày quen biết. Họ kết hôn vào năm 1895, nhưng cuộc hôn nhân này nhanh chóng đổ vỡ vào năm 1902. Sau khi ly hôn, bà đến Paris hành nghề vũ nữ với nghệ danh Mata Hari và tự xưng là người gốc Ấn. Ngoài các điệu múa truyền thống phương Đông học được khi sống cùng chồng ở Indonesia, bà còn biểu diễn các màn múa thoát y. Tên tuổi của Mata cũng được nhiều người biết đến kể từ đó. Bà có nhiều người tình có quyền thế trong xã hội như các quý tộc, các sĩ quan quân đội, các chính khách cấp cao - những người giúp bà có được một cuộc sống xa hoa. Cùng với các mối quan hệ rộng rãi, việc lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới cũng giúp Mata sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều này nhanh chóng giúp Mata “lọt vào tầm ngắm” của giới tình báo.
Năm 1914, khi Thế chiến I nổ ra, bà tới Berlin (Đức) để lưu diễn. Tại đây bà đã nhận lời làm gián điệp cho Cục tình báo Đức với mật hiệu H21. Nhiệm vụ của bà là thu thập tin tức hoạt động của quân đội Pháp. Tuy nhiên, chính Elsa Shragmuyller người phụ trách trực tiếp H21 cho rằng toàn bộ những tin tức mà H21 cung cấp không bao giờ được sử dụng cả vì chúng không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự.
Tháng 8-1916, sau khi gặp gỡ Đại úy Ladou, sĩ quan của Cục phản gián Pháp, bà lại nhận lời hợp tác với Cơ quan tình báo Pháp với nhiệm vụ đến Brussels (Bỉ) để thu thập tin tức cho người Pháp. Thái độ hai mang của bà đã nhanh chóng bị phát hiện. Khi đang trên đường tới Bỉ làm nhiệm vụ, bà bị cảnh sát Anh bắt giữ và thẩm vấn. Sau khi thả Mata, cảnh sát Anh đã báo cho Pháp biết thân phận thực sự của bà. Do đó, ngay khi trở về Paris, giới chức Pháp đã cho bắt giữ bà với cáo buộc điệp viên hai mang khiến khoảng 50.000 lính Pháp thiệt mạng.
Sáng 15-10-1917, Mata bị tử hình. Cái chết của bà đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Thậm chí 30 năm sau khi Mata bị tử hình, nhiều công tố viên thừa nhận rằng không có đủ bằng chứng để kết bà tội hai mang.
ANA MONTES
Dù mang quốc tịch Mỹ nhưng Ana Montes lại bị gắn mác “phản bội dân tộc” do bàn giao nhiều bí mật quốc gia cho Cuba. Theo giới chuyên gia Mỹ, những thiệt hại do Montes gây ra trong suốt thời gian làm điệp viên là vô cùng nghiêm trọng.
Sự bất mãn của Ana Montes đối với chính sách ngoại giao của Mỹ với Cuba khiến bà nhanh chóng lọt vào tầm ngắm phía La Havana. Khi làm việc với tư cách là một trong những chuyên gia phân tích hàng đầu của Cơ quan Tình báo quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc (DIA) từ năm 1985 đến ngày 11-9-2001, bà Montes chuyển giao những bí mật quân sự của Mỹ cho La Havana. Cho đến nay, Ana Montes được xem là một trong những điệp viên hai mang gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Chào đời tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Puerto Rico, Đức, vào năm 1957, Ana là chị cả trong gia đình có 4 người con và có cha làm bác sĩ quân y. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1984, bà làm việc tại văn phòng Sở Tư pháp ở Washington và tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins. Cùng thời gian đó, bà Montes bắt đầu làm việc tại DIA - nơi phụ trách xử lý những bí mật quân sự Mỹ. Trong quãng thời gian làm việc tại đó, sự nghiệp của bà thăng tiến rất nhanh và vào năm 1977, bà được trao giấy chứng nhận danh dự. Danh tiếng xuất sắc khiến Montes được các đồng nghiệp ở DIA gán cho danh hiệu “Nữ hoàng Cuba”.
Trong thời gian làm việc tại DIA, bà Montes chọn một kỹ xảo hoạt động gián điệp, thứ đã giúp bà không bị phát hiện trong suốt 16 năm. Một nguyên nhân nữa giúp bà có thể giữ bí mật được lâu đến thế là vì bà chưa bao giờ mang bất kỳ tài liệu hay tập tin điện tử nào từ nơi làm việc về nhà. Thay vào đó, bà ghi nhớ toàn bộ chi tiết của những tài liệu nhạy cảm đó vào bộ óc, và gõ lại vào máy tính khi về nhà. Tiếp theo, nữ điệp viên này sao chép thông tin đã đánh máy lên đĩa đã được mã hóa. Sau đó, bà nhận được hướng dẫn thông qua đài phát thanh sóng ngắn về nơi bàn giao tài liệu cho phía Cuba.
Vụ việc vỡ lở vào năm 1996 khi nhân viên phản gián Scott Carmichael nghi ngờ những hành vi của Montes. Ông bắt đầu so sánh một số chứng cứ của FBI điều tra được với hệ thống dữ liệu về nhân viên DIA. Cuối cùng, sau vài tháng sàng lọc đối tượng, trên màn hình máy tính của Carmichael hiện lên cái tên hết sức quen thuộc với cộng đồng tình báo Mỹ - đó là “Ana Montes”. Carmichael bắt đầu lập hồ sơ chi tiết về bà Montes và cùng FBI lên kế hoạch theo dõi, bắt giữ nữ gián điệp này. Bà bị bắt giữ vào ngày 21-9-2001, lãnh mức án 25 năm tù giam và 5 năm bị quản chế.
Hiện nay, bà Montes, 59 tuổi đang ở Trung tâm Y tế Liên bang Carswell tại Fort Worth, Texas - nơi giam giữ những tù nhân nữ nguy hiểm nhất nước Mỹ.
VERA ATKINS
Nước Anh nổi tiếng thế giới khi sản sinh hàng loạt các “danh nhân tình báo” như Điệp viên 007, Burgess hay một nữ thủ lĩnh tình báo nổi tiếng - điệp viên Vera Atkins xinh đẹp và thông minh. Đây là người kiến tạo những chiến công lừng lẫy, biến SOE (Cục hành động đặc biệt) thành một “tập đoàn” tình báo hoạt động hiệu quả ngay trong lòng Đức Quốc xã thời Thế chiến II.
Vera Atkins, sinh ngày 16-6-1908, trong một gia đình giàu có. Cha là Max Rosenberg người Do Thái gốc Rumania và mẹ là Hilda Rosenberg, người Do Thái gốc Anh. Sau khi cuộc chiến tranh Boer lần II bùng nổ, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Max Rosenberg quyết định đưa cả gia đình trở về Rumania làm việc trong lĩnh vực vận tải thủy và Vera Atkins chào đời tại đây. Năm 1931, Atkins đến London để theo học khóa đào tạo thư ký và trở lại Rumania, được tuyển vào làm việc cho hãng Vacuum Oil của Mỹ.
Trong khi công việc của Atkins suôn sẻ thì công việc gia đình lại gặp nhiều khó khăn, buộc ông Rosenberg phải bán nhà và qua đời vì bệnh nặng. Sau khi cha chết, hai mẹ con bà dọn về thủ đô Bucharest để sinh sống. Trong thời gian này, Atkins làm quen với một doanh nhân người Canada tên là William Billy Stephenson, người từng làm việc cho Trung tâm tình báo Công nghiệp (IIC) trực thuộc Ủy ban Quốc phòng Hoàng gia Anh. Và mối quan hệ trên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Vera. Năm 26 tuổi, Vera bắt đầu làm việc với tư cách một nhân viên tiếp thị của Pallas Oil. Với khả năng ngoại ngữ, bà vừa làm phiên dịch kiêm môi giới cho các khách hàng nước ngoài. Nhờ công việc này mà Vera có điều kiện đi và tiếp xúc với nhiều người, thu thập được nhiều thông tin quan trọng trong lĩnh vực dầu khí.
Ngày 3-9-1939, khi Thế chiến II bùng nổ, Vera quyết định nộp đơn tham gia Lục quân, Hội Chữ thập đỏ Anh và Cơ quan kiểm duyệt bưu chính, nhưng đều bị từ chối vì quốc tịch của bà. Tháng 2-1941, Vera nhận được một lá thư mà theo bà đây là “lá thư an ủi”, mời bà đến Bộ Chiến tranh để phỏng vấn, bước ngoặt đưa bà đến với SOE. SOE chuyên làm nhiệm vụ tuyển mộ, đào tạo điệp viên và đưa họ thâm nhập vào các quốc gia bị tạm chiếm để thu thập thông tin tình báo và tổ chức xây dựng các lực lượng kháng chiến, nhất là các quốc gia bị Đức chiếm đóng.
Sau khi trở thành nhân viên của SOE, Atkins được bổ nhiệm làm sĩ quan tình báo thuộc Đơn vị F của SOE do Maurice Buckmaster đứng đầu, nơi có quân số hơn 400 điệp viên. Xác định Pháp là địa bàn chiến lược để phát triển các hoạt động của SOE sang các quốc gia bị chiếm đóng khác nên Vera Atkins rất coi trọng công tác tuyển mộ và đào tạo điệp viên.
Tháng 2-1943, Vera làm đơn xin nhập quốc tịch Anh, ban đầu bị từ chối vì nghi ngờ là người Do Thái. Nhưng được sự giúp đỡ của người đứng đầu đơn vị F, Maurice Buckmaster nên cuối cùng, đơn của Vera đã được chấp nhận.
Ngoài thành tích tuyển mộ và xây dựng mạng lưới điệp viên tại Pháp, Vera Atkins còn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc dưới tư cách là sĩ quan tình báo đặc biệt. Bà đã có mặt tại các trại giam, trại tập trung để tìm tung tích các đồng đội bởi theo báo cáo thì có tới hơn 100 người trong tổng số 400 nhân viên của SOE bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có 16 phụ nữ. Nhờ những nguồn tin tình báo của Vera Atkins và của SOE, ngày 15-4-1945, quân đội Anh giải phóng được trại tập trung Belsen và giải thoát các tù nhân đang bị giam giữ tại đây.
Chiến tranh kết thúc, SOE hoàn thành sứ mạng và giải thể. Nhờ những đóng góp không mệt mỏi trong hoạt động tình báo, Vera được trao tặng Huân chương Thánh George cao quý của Anh. Chính phủ Pháp trao tặng bà Huân chương danh dự và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tuy không để lại hồi ký, nhưng cuộc đời Atkins là tư liệu quý cho rất nhiều cuốn sách nói về nghề tình báo, trong số này hai tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
AN HÒA
(Tổng hợp)