Cuộc chiến chống tham vọng bá chủ công nghệ
Để đối phó với tình trạng ngày càng có nhiều DN Trung Quốc tìm cách thâu tóm cổ phần (CP) các công ty công nghệ, chính phủ nhiều nước đã có sự phản kháng quyết liệt chưa từng có.
Chính phủ Đức chặn Công ty Yantai Taihai của Trung Quốc định thôn tính Công ty Đức Leifeld Metal Spinning. |
Quỹ 1 tỷ EUR mà Chính phủ Đức đang cân nhắc thành lập - nhằm thiết lập “một cơ chế bảo vệ chủ quyền công nghệ trong lĩnh vực công nghệ Đức” - có thể được sử dụng để hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ chủ chốt, cũng như giải cứu những công ty công nghệ gặp khó khăn về tài chính của Đức. Quỹ này sẽ “ra tay” nếu không có nhà đầu tư tư nhân nào thay thế Trung Quốc hoặc không có ngân hàng nào bảo lãnh.
Cùng với đó, giới chức nước này đang xem xét điều chỉnh một số quy định trong luật đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm các ngành công nghệ chủ chốt vẫn thuộc sở hữu của người Đức. Năm 2017, Đức cũng sửa luật để tăng quyền của chính phủ trong việc giới hạn nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không quá 25% CP trong các DN thuộc công nghiệp hạ tầng quan trọng và đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát các công ty Đức. Chính phủ Đức cũng báo hiệu sự sẵn sàng sử dụng quyền lực mới sau khi sửa luật này để phủ quyết các cổ đông nước ngoài trong các công ty Đức có ý đồ thâu tóm. Chính phủ Đức lần đầu tiên chặn Công ty Yantai Taihai (Trung Quốc) tính thôn tính Leifeld Metal Spinning - một công ty Đức chuyên sản xuất các thiết bị hàng không vũ trụ và hạt nhân vào tháng 8 vừa qua. Và hồi tháng 7, sau khi không tìm được nhà đầu tư tư nhân nào cho công ty, Ngân hàng Tái thiết KfW của Đức đã mua lại CP của Công ty Điện lực 50 Hertz để ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm.
Trong năm 2017, các DN Trung Quốc đã hoàn tất 30 cuộc thu mua CP các DN Đức, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2016. Tâm điểm là vụ tập đoàn Midea thu mua Công ty Robot Kuka với giá 5 tỷ USD vào năm 2016 và tập đoàn sản xuất ô tô Geely sở hữu 9,7% CP của nhà sản xuất xe hơi Daimler. Các đề nghị từ phía Trung Quốc mua lại các công ty của Đức chiếm 40% trong tổng số 165 các đề nghị tiếp quản của các công ty nước ngoài trong 3 năm qua. Điều này cho thấy rõ sức hút của các công ty công nghệ của Đức đối với các DN Trung Quốc.
Những tháng gần đây, một loạt quốc gia khác gồm Mỹ, Pháp, Anh, EU, Australia, Nhật Bản và Canada đã tham gia vào một làn sóng phản kháng toàn cầu chưa từng có tiền lệ nhằm vào các thương vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc. Lý do mà các nước này đưa ra là lo ngại vấn đề an ninh quốc gia và cũng tương tự như những gì Đức lo lắng là muốn “bảo vệ chủ quyền công nghệ trong lĩnh vực công nghệ”.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều quốc gia trở nên dè chừng với các vụ thâu tóm trong ngành công nghệ do DN Trung Quốc tiến hành là việc Bắc Kinh quyết tâm giành vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ cao sau 7 năm nữa. Quyết tâm này được thể hiện trong chiến lược Made in China 2025.
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một đạo luật gia tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để ủy ban này có quyền lực lớn hơn trong việc rà soát các thương vụ đầu tư nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia, chủ yếu siết chặt các thương vụ liên quan đến các công ty công nghệ. Trước khi ký đạo luật trên, chính quyền ông Trump đã chặn một số vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, như vụ một công ty đầu tư Trung Quốc định mua công ty sản xuất chất bán dẫn Xcerra của Mỹ với giá 580 triệu USD và vụ Broadcom chào mua hãng sản xuất con chip Qualcomm với giá 117 tỷ USD. Cũng vì mối lo ngại từ an ninh quốc gia, ngày 23-8, Australia không cho phép hãng thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G đang được xây dựng của nước này. Giới an ninh Australia lo ngại rằng, Huawei có thể có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc và mối quan hệ này sẽ đặt ra khả năng thiết bị mạng của Huawei được sử dụng cho hoạt động nghe lén. Hồi tháng 5, Canada đóng băng thương vụ Công ty Xây dựng Viễn thông của Trung Quốc muốn mua lại Công ty Xây dựng Aecon của nước này. Lập trường của các nước tương tự nhau: An ninh.
Theo FBI, các điện thoại Trung Quốc có thể được sử dụng để sửa đổi hoặc ăn cắp những thông tin nhạy cảm cũng như tiến hành hoạt động gián điệp mà không bị phát hiện. Giới chức tình báo Mỹ hồi tháng 2 cũng khuyến cáo người dân nước này không nên dùng điện thoại thông minh của Huawei và ZTE vì những mối nguy tiềm ẩn. Lầu Năm Góc cũng đã miệt mài trong 6 tháng để lập danh sách các phần mềm “không được mua”. Danh sách này được cho là sẽ giúp nhân sự hậu cần và các đối tác của Bộ Quốc phòng Mỹ tránh mua phải các mã phần mềm khả nghi. Chính phủ Nga trước đó cũng ra lệnh yêu cầu các quan chức nước này sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị thông minh xuất xứ nội địa, sau khi ra lệnh cấm các giao dịch mua bán điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc trong nước.
HẠNH CHI