.

Johann Astor - Tỷ phú thuốc phiện ở Mỹ

Cập nhật: 07:58, 07/09/2018 (GMT+7)

Khi huyền thoại kinh doanh Johann Jakob Astor qua đời năm 1848, nhiều tờ báo ở nước Mỹ lúc bấy giờ đã không tiếc lời ca ngợi ông ta như một thương gia tài giỏi, thành đạt, đồng thời là một nhà từ thiện với tấm lòng quảng đại. Bên cạnh đó, cũng không ít tờ báo tiết lộ sự nghiệp của Astor có nguồn gốc từ việc buôn bán thuốc phiện. Từ năm 1816 đến 1825, Astor đã đưa sang Trung Quốc hàng trăm tấn thuốc phiện có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, và ông ta được coi là tỷ phú thuốc phiện đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ…

Johann Jakob Astor.
Johann Jakob Astor.

1. Johann Jakob Astor SN 1763 ở thị trấn Walldorf, gần thành phố Heidelberg, Tây Nam nước Đức. Là con một người bán thịt, Astor phụ giúp cha mình trong cửa hàng của gia đình trước khi chuyển đến London, Anh Quốc, làm việc tại một cơ sở sản xuất đàn piano.

Năm 1784, ngay sau khi cuộc Cách mạng Mỹ kết thúc, Astor, 21 tuổi, di cư đến thành phố New York. Tại đó, anh ta thuê một căn phòng của bà góa Sarah Cox Todd rồi cùng với người anh ruột là Henry, mở một cửa hàng bán thịt. Thấy con gái bà góa Sarah Cox Todd - cũng tên là Sarah Cox Todd khá xinh xắn, Astor ngỏ lời tán tỉnh. Kết quả là 1 năm sau, Astor lấy cô này. Việc bán thịt đang lúc phát đạt thì trong một dịp tình cờ gặp gỡ những nhà buôn lông thú, Astor nhận ra món lợi lớn nên anh ta lập tức chuyển hướng kinh doanh bằng cách mua da thú từ những người da đỏ bản địa với giá rẻ rồi bán sang Canada, Anh Quốc. Đến năm 1800, Astor đã có trong tay 50.000USD, một số tiền kếch xù vào thời đó.

Cũng trong năm 1800, chiếc tàu thương mại Mỹ mang tên Queen’s China lần đầu tiên cập cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, trong đó có Astor. Bên cạnh việc mua lông thú, trà và gỗ đàn hương đem về Mỹ bán lại, Astor nhìn thấy một cơ hội kinh doanh khác là thuốc phiện, nhưng phải đến năm 1816, Astor mới thiết lập được một đường dây vận chuyển thuốc phiện cho riêng mình vì trước năm 1816, nó được độc quyền bởi người Anh.

Trong cuộc Cách mạng Mỹ, quân đội Liên minh Anh Quốc đã sử dụng thuốc phiện để cắt cơn đau cho những người lính bị thương. Ước tính, đã có gần 10 triệu viên thuốc phiện được phát cho binh lính, cộng với 2,8 triệu ounce (1 ounce = 28,349523125 gam) bột thuốc phiện pha rượu. Nhiều người lính trở về nhà mang theo cơn nghiện dày vò.

Còn ở Trung Quốc, trong suốt thế kỷ 17, 18, hàng hóa của nước này như trà, đồ gốm sứ, gỗ đàn hương, da thú cùng nhiều loại gia vị khác được các thương nhân người Anh dồn dập đưa về châu Âu nhưng ngược lại, triều đình Mãn Thanh không cho phép thương nhân châu Âu bán sản phẩm của họ trên đất Trung Quốc. Điều này đã gây ra sự mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại nên Công ty Đông Ấn, Anh Quốc đã thiết lập một đường dây đưa thuốc phiện vào Trung Quốc. Triều đình Mãn Thanh phản ứng yếu ớt bằng cách đánh thuế.

Năm 1799, triều đình Mãn Thanh ra lệnh cấm thuốc phiện vì chỉ trong 10 năm - từ 1769 đến 1799 - số người nghiện ở Trung Quốc đã là 30 triệu và không có dấu hiệu dừng lại. Việc mua bán thuốc phiện từ chỗ công khai chuyển sang lén lút và càng lén lút thì lợi nhuận càng nhiều. Nếu như trước kia, các tiệm hút thuốc phiện phải cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thì từ năm 1799, họ tăng giá do phải mua đắt từ các đại lý, mà những đại lý ấy cũng phải mua đắt từ người Anh nên với Astor, đây là cơ hội bằng vàng.

Hộp thuốc lá tẩm thuốc phiện in hình và tên của Astor, bán ở Trung Quốc trong những năm 1820.
Hộp thuốc lá tẩm thuốc phiện in hình và tên của Astor, bán ở Trung Quốc trong những năm 1820.

2. Tháng 4-1816, chuyến tàu đầu tiên của Astor chở 10 tấn thuốc phiện mua ở Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển ngoài khơi cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông. Khi màn đêm buông xuống, các ghe thuyền nhỏ của người Trung Quốc giương buồm chạy ra, nhận thuốc phiện, thanh toán bằng những đồng tiền làm bằng bạc rồi quay đầu vào bờ. Đến cuối năm ấy, đội tàu thuốc phiện của Astor đã tăng lên 5 chiếc, trong đó có 3 chiếc tải trọng 20 tấn, mỗi chuyến đi từ Mỹ đến Trung Quốc kéo dài gần 2 tháng, cung cấp cho thị trường Trung Quốc 70 tấn thuốc phiện.

Thời điểm này ở Mỹ, thuốc phiện và dẫn xuất của nó như morphine là thứ không thể thiếu của giới bác sĩ trong điều trị một số bệnh như động kinh, trầm cảm, giảm đau, mất ngủ. Việc sử dụng thuốc phiện khi ấy được xã hội Mỹ chấp nhận. Nó có thể dễ dàng tìm mua được ở các hiệu thuốc trên phố nhưng nguồn cung cấp lại phải lệ thuộc vào người Anh. Tuy nhiên, hệ quả của nó là tình trạng nghiện ngập lan rộng, nhất là trong giới nghèo khổ. Với giá chỉ vài xu (cent) một chai cồn có pha thuốc phiện, nó giúp họ quên đi tương lai u ám.

Một chai cồn giảm đau, an thần có pha thuốc phiện.
Một chai cồn giảm đau, an thần có pha thuốc phiện.

Năm 1820, trong khi nhiều bác sĩ và nhiều nhà xã hội học ở Mỹ lên tiếng báo động về tình trạng nghiện thuốc phiện ở các thành phố lớn như New York, San Francisco, Boston…, kéo theo đó là sự gia tăng tội ác để có tiền mua thuốc phiện thì tại Trung Quốc, việc kinh doanh của Astor phát triển đến mức một mặt ông ta lén lút bán sỉ thuốc phiện nguyên chất cho các đại lý, mặt khác Astor công khai mở các điểm bán lẻ thuốc phiện dưới hình thức các chai rượu giảm đau, an thần, trên nhiều đường phố ở Quảng Đông, Thượng Hải, Nam Kinh, Trùng Khánh… Thậm chí, Astor còn cho sản xuất những hộp thuốc lá tẩm thuốc phiện, bên ngoài vỏ hộp có in hình và tên ông ta. Và bởi vì những mặt hàng này núp bóng là dược phẩm nên Astor chỉ phải đóng thuế.

Ở Mỹ, nhằm xoa dịu dư luận, Astor tiến hành các chương trình tài trợ cho các trường học, thư viện, các cơ sở y tế. Trong 2 năm 1820 - 1821, Astor đã chi khoảng 150.000USD cho những chương trình này và nghiễm nhiên, ông ta trở thành một trong những người “giàu lòng hảo tâm nhất nước Mỹ”. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản một bác sĩ là William Doll phát biểu trong một hội thảo về tác hại của thuốc phiện: “Những việc làm tốt của một số triệu phú phải được xem xét bằng những thiệt hại gây ra cho con người và xã hội, bởi câu hỏi đặt ra là những đồng tiền được dùng để làm những việc tốt là tiền kiếm được từ nguồn kinh doanh nào…”.

Cho đến nay, không ai biết tổng số thuốc phiện mà Astor đã đưa vào Trung Quốc là bao nhiêu. Theo các nhà sử học, con số ấy có thể lên đến khoảng 900 tấn. Nhưng cũng như những người thức thời, nhìn xa trông rộng, Astor biết rằng không sớm thì muộn, Triều đình Mãn Thanh sẽ ra lệnh cấm mua bán, hút thuốc phiện, và cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa người Anh và triều đình Mãn Thanh sẽ nổ ra. Khi ấy, cơ nghiệp của ông ta có thể sẽ tiêu tan nên năm 1925, Astor rút chân ra khỏi thị trường này. Khi qua đời vào năm 1848 ở tuổi 84, Astor được coi là người giàu nhất nước Mỹ. Tài sản của ông ta lúc ấy vào khoảng 20 triệu USD, tương đương 110 tỷ USD hiện nay, trong đó một nửa đến từ việc kinh doanh thuốc phiện.

Vài ngày sau khi Astor chết, bên cạnh nhiều tờ báo viết bài ca ngợi ông ta thì tờ New Yorker đặt câu hỏi: “Trong tổng số 80 triệu người nghiện ở Trung Quốc, bao nhiêu người thân tàn ma dại vì những chuyến tàu thuốc phiện của Johann Jakob Astor?”…

VŨ CAO
Theo History

.
.
.