.

Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật chi tiêu quốc phòng năm 2019

Cập nhật: 16:52, 14/08/2018 (GMT+7)

* Cấm cửa sản phẩm Huawei, ZTE trong chính phủ Mỹ.

Sáng 14-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019. Luật mới này được đặt theo tên của Thượng nghị sĩ Arizona, John MacCain. Và sẽ cung cấp mức chi tiêu quốc phòng 716 tỷ USD trong tài khóa 2019.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật chính sách quốc phòng 716 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật chính sách quốc phòng 716 tỷ USD.

Phát biểu tại một buổi lễ diễn ra ở căn cứ Fort Drum ở New York, Tổng thống Trump đánh giá NDAA là “thương vụ đầu tư quan trọng nhất” đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại. Và ông cũng đã đề cập tới việc thành lập “Lực lượng Vũ trụ” nhằm giành ưu thế trước các đối thủ. Ông Trump nói: “Các đối thủ của chúng ta bắt đầu tiến hành quá trình quân sự hóa ngoài không gian. Sẽ là không đủ để Mỹ chỉ cần duy trì hiện diện ngoài không gian. Chúng ta cần thể hiện ưu thế ở đó”.

Theo các nguồn tin, NDAA sẽ tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có đặt ra các lo ngại về an ninh quốc gia hay không. 

Ngoài ra, NDAA cũng cho phép chi tiêu 7,6 tỷ USD cho 77 máy bay chiến đấu tấn công hỗn hợp F-35 do công ty Lockheed Martin sản xuất, đồng thời cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Một nội dung khác trong luật NDAA là các biện pháp hạn chế khả năng giảm lực lượng binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Theo đó nêu rõ khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc là biểu hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh song phương này.

Luật mới cũng quy định phần lớn các sản phẩm công nghệ Huawei và ZTE sẽ bị cấm sử dụng trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu của Mỹ, sẽ có hiệu lực trong hai năm tới. Đây là thắng lợi của nhóm các nghị sĩ và nhà vận động cáo buộc 2 hãng điện tử viễn thông Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Lệnh cấm bao gồm việc sử dụng thành phần hoặc dịch vụ công nghệ “thiết yếu” và “quan trọng” của Huawei và ZTE cho các hệ thống máy tính mà chính quyền Mỹ sử dụng. Một số thành phần từ các công ty này vẫn được phép, miễn là chúng không thể được sử dụng để định tuyến hoặc theo dõi dữ liệu. Huawei và ZTE từ lâu đã nằm trong tầm ngắm cảnh báo an ninh của giới lập pháp và tình báo Mỹ. Cả 2 công ty này được gọi là “mối đe dọa an ninh quốc gia” trong một báo cáo của Hạ viện Mỹ năm 2012.

Theo Reuters 

.
.
.