.

Những nuối tiếc của Kofi Annan trong sự nghiệp tại Liên hợp quốc

Cập nhật: 16:47, 23/08/2018 (GMT+7)

Thất bại khi ngăn chặn một số vụ thảm sát và việc cử nhân viên Liên hợp quốc đến nơi nguy hiểm là những điều từng khiến Kofi Annan trăn trở.

Kofi Annan tại hội nghị ở London tháng 5-2014.
Kofi Annan tại hội nghị ở London tháng 5-2014.

Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan qua đời ở Thụy Sĩ ngày 18-8 ở tuổi 80. Nhiều lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lòng tiếc thương và ca ngợi những đóng góp của ông cho thế giới.

Kofi Annan nổi danh là một nhà trung gian hòa giải với thành công trong việc chấm dứt xung đột đẫm máu trong cuộc đấu đá quyền lực khiến hơn 1.200 người chết ở Kenya năm 2007. Ông cũng được ghi nhận với những nỗ lực trong việc xóa đói giảm nghèo và phòng chống bệnh AIDS, điều giúp ông nhận giải Nobel Hòa bình năm 2001.

Tuy nhiên, sự nghiệp tại Liên hợp quốc của ông Annan không phải lúc nào cũng gặt hái thành công. Ông thừa nhận rằng khi là người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 1994, ông nên làm nhiều hơn để ngăn chặn vụ thảm sát 800.000 người Tutsi và Hutu ôn hòa tại Rwanda. Thời điểm đó, tướng Romeo Dallaire, chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Rwanda, gửi điện khẩn cho ông Annan, thông báo những kẻ cực đoan Hutu đang chuẩn bị vũ khí và có những dấu hiệu cho thấy một cuộc giết người hàng loạt sắp xảy ra. Tướng Dallaire đề nghị lực lượng Liên hợp quốc có những biện pháp can thiệp nhanh chóng, nhưng ông Annan không đáp ứng yêu cầu này. “Hồi ấy tôi nghĩ tôi đã làm hết sức mình. Nhưng sau vụ thảm sát tôi nhận ra rằng mình có thể và đáng lẽ phải làm nhiều hơn”, ông Annan nói nhiều năm sau đó. Ông cũng hứng chịu chỉ trích khi 8.000 người Hồi giáo bị lực lượng Serbia hành quyết tại Bosnia năm 1995. Lực lượng gìn giữ hòa bình quá mỏng đã không ngăn cản được vụ giết người.

Ông Annan giữ chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 1997 đến năm 2006. Ông cho biết những khoảnh khắc tồi tệ nhất của mình trong quãng thời gian này là không thể ngăn chặn được xung đột ở Darfur, Sudan bắt đầu từ năm 2003 khiến hàng trăm ngàn dân thường thiệt mạng, cũng như bê bối trong chương trình đổi dầu lấy lương thực và chiến tranh Iraq 2003-2011.

Đổi dầu lấy lương thực là chương trình được áp dụng từ năm 1996 để bán lượng dầu hạn chế từ Iraq, nước hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế do đã tấn công Kuwait, nhằm đổi lấy nhu yếu phẩm. Biện pháp này nhằm giảm tác động của lệnh trừng phạt đối với dân thường Iraq. Năm 2004, chương trình bị phanh phui là có gian lận và tham nhũng để làm lợi cho một số quan chức Liên hợp quốc và Iraq. Liên hợp quốc bị chỉ trích là quản lý lỏng lẻo. Mặc dù kết quả điều tra cho thấy ông Annan không có sai trái, con trai duy nhất của ông, Kojo, bị phát hiện đã sử dụng các mối quan hệ trong Liên hợp quốc để tư lợi.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2-2013, ông Annan gọi cuộc chiến tranh do Mỹ phát động nhắm vào Iraq là “thời điểm đen tối nhất cuộc đời” và chỉ trích hành động này của Washington là “phi pháp”. Trước khi cuộc xâm lược nổ ra, Mỹ khẳng định Iraq đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng Liên hợp quốc đã không phê chuẩn nghị quyết tấn công vì không có đủ chứng cứ. Dù vậy, Tổng thống Mỹ khi đó là George W.Bush vẫn quyết định phát động chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình. Khoảng 151.000-600.000 người Iraq bị giết trong 3-4 năm đầu tiên của cuộc xung đột.

“Chúng tôi đã không thể ngăn chặn nó. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ - tôi đã liên tục điện đàm, nói chuyện với các lãnh đạo trên khắp thế giới. Mỹ không nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, ông nhấn mạnh.

Sự kiện đau đớn nhất trong sự nghiệp là vụ đánh bom trụ sở Liên hợp quốc tại Baghdad ngày 19-8-2003 khiến 22 người thiệt mạng, sau khi ông Annan quyết định cho phép nhân viên cao cấp của Liên hợp quốc trở lại Iraq dưới sự hối thúc của Mỹ. Trong số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom có đặc phái viên của ông, Sergio Vieira de Mello.

Khi đón sinh nhật lần thứ 80 hồi tháng 4, ông Annan nhấn mạnh thế giới cần các lãnh đạo mạnh mẽ để giúp giải quyết khủng hoảng. “Chúng ta đã có những khó khăn trong quá khứ nhưng trong một số trường hợp, các lãnh đạo đã tạo ra sự khác biệt. Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh, tôi sinh ra đã lạc quan và vẫn sẽ là người lạc quan. Nếu mất hy vọng thì sẽ mất tất cả, tôi khuyên các bạn luôn giữ hy vọng”, ông nói.

PHƯƠNG VŨ

.
.
.