.

Mỹ lập "Nhóm hành động về Iran"

Cập nhật: 17:22, 17/08/2018 (GMT+7)

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố thành lập một nhóm cấp cao mới có nhiệm vụ thực thi chiến lược của Washington gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Iran. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, “Nhóm hành động về Iran” sẽ thúc đẩy chiến lược của Washington “gây sức ép tối đa” để Tehran thay đổi cách hành xử. Nhiệm vụ của nhóm là chỉ đạo, rà soát và điều phối “tất cả các khía cạnh trong hoạt động của Bộ Ngoại giao (Mỹ) liên quan vấn đề Iran” và sẽ báo cáo định kỳ trực tiếp với Ngoại trưởng. 

Ngoại trưởng Pompeo đã chỉ định ông Brian Hook, hiện là Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đứng đầu nhóm này với chức danh “Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao về Iran”. Ông Brian Hook từng là trưởng phái đoàn Mỹ đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhằm điều chỉnh thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động Chung toàn diện (JCPOA), trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5 vừa qua. 

JCPOA được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7-2015, theo đó Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Sau khi quyết định Mỹ rút khỏi JCPOA, Tổng thống Donald Trump ngày 7-8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là “gây sức ép tối đa về kinh tế” đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Gói trừng phạt thứ nhất nhằm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran. Gói trừng phạt thứ hai được coi là hết sức mạnh tay nhằm “triệt tiêu” nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này. Ông Trump cũng tuyên bố các công ty giao thương với Iran sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ khi các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Tehran có hiệu lực. 

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, theo đó đưa ra một loạt đòi hỏi Tehran phải thay đổi hành xử, bao gồm ngừng ủng hộ Chính phủ Syria và phong trào Hezbollah của Liban, chấm dứt chương trình hạt nhân và trả tự do cho những người Mỹ đang bị giam giữ. 

Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15-8 đã bác bỏ các yêu cầu của Mỹ, nhấn mạnh rằng Mỹ đã “đốt bỏ các cây cầu” dẫn tới thương lượng với Tehran. Phát biểu tại một cuộc họp nội các ở thủ đô Tehran, ông Rouhani tuyên bố: “Hiện nay, nước Cộng hòa Hồi giáo đang tiến hành đàm phán với toàn thế giới. Tuy nhiên, người Mỹ hành động theo cách phá hủy các điều kiện cần thiết cho tiến trình đàm phán với Tehran”.

AP

.
.
.