Lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng
Ankara đổ lỗi cho Washington vì những khó khăn tài chính mà họ đang đối mặt, nhưng họ đang chiến đấu nhầm kẻ thù.
Giá trị đồng lira sụt giảm liên tục trong thời gian qua.
|
Ông Harun Macit là một trong số ít người may mắn ở Thổ Nhĩ Kỳ, công ty của ông xây dựng các cơ sở thể thao và xuất khẩu thiết bị ra nước ngoài, kiếm được nhiều tiền để thoải mái trả các khoản vay nước ngoài của mình. Trong khi đó, nhiều công ty khác, với doanh thu và tài sản được nắm giữ chủ yếu bằng đồng nội tệ, đang tuyệt vọng chứng kiến những khoản nợ của họ nở ra như nấm khi giá trị của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm 1/3 chỉ trong tháng Tám này.
Theo tờ Foreign Policy, cuộc khủng hoảng đồng lira đã làm xói mòn vốn của các ngân hàng và đe dọa một làn sóng phá sản. Cuộc khủng hoảng đã lan rộng ra ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, lây nhiễm sang các thị trường mới nổi khác và kéo giá cổ phiếu đi xuống ở London và New York. Nó cũng đã “đầu độc” mối quan hệ giữa Ankara với Washington, vốn bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc là một âm mưu của Mỹ để khiến đất nước ông phải quy phục.
Theo giới phân tích, gốc rễ sự sụp đổ của đồng lira lại nằm trong chính sách của vị Tổng thống quyền lực Erdogan, người đã điều hành nền kinh tế phát triển nóng để giành được lá phiếu ủng hộ và “thống trị” chính trường Thổ Nhĩ Kỳ suốt 16 năm qua.
Do hoạt động xây dựng “điên cuồng” của các công ty xây dựng thân với chính phủ, nền kinh tế quy mô 880 tỷ đô la của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,8 % trong thập niên này.
“Rõ ràng tình trạng này sẽ nổ tung. Tôi đã nói với bạn bè của tôi trong ngành xây dựng suốt nhiều năm là hãy ngừng cạnh tranh với nhau, rằng có một thế giới bên ngoài để xây dựng”, ông Harun Macit, 53 tuổi, chủ một công ty gia đình ở vùng ngoại ô Bagcilar của Istanbul, tỏ ra lo ngại. “Bagcilar” có nghĩa là “người trồng nho”, để chỉ một vùng đất nông nghiệp trù phú mà ngày nay đã biến thành những khối căn hộ che kín tầm nhìn của ông Macit từ phòng họp. Trong số đó có khoảng 800.000 căn hộ chưa bán được đang tràn ngập thị trường bất động sản Istanbul.
Cuộc bùng nổ xây dựng đã biến đổi đường chân trời lịch sử của Istanbul thành một công trường xây dựng ngổn ngang. Các nhà thờ Hồi giáo, cầu đường và trung tâm mua sắm mới đang tiếp sức cho một ngành công nghiệp xây dựng chiếm gần 10% tổng sản phẩm quốc nội.
Kể từ năm 2001, nhập khẩu vật liệu xây dựng và hàng hóa khác đã vượt xa kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 50,2 tỷ USD. Nợ cũng chồng chất lên các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, lên tới 460 tỷ đôla, tương đương hơn 50% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào thời điểm này, một số chủ nợ đã cam chịu thất bại. “Chúng tôi biết một số công ty đang mất khả năng thanh toán và một số công ty không có sức thanh khoản, nhưng chúng tôi không biết công ty nào và cho đến khi chúng tôi biết thì tất cả sẽ bùng cháy cả”, Refet Gurkaynak, một nhà kinh tế tại Đại học Bilkent ở Ankara, nói.
Hoạt động kinh doanh cũng đang chịu sức ép đến mức bị đình trệ. Một số chủ DN phàn nàn rằng nhiều loại thực phẩm đã bị ngừng giao hàng và các nhà sản xuất đòi phải trả tiền mặt trước cho mỗi đơn hàng. Nhiều nhà máy điện đã ngừng cấp điện trong tuần trước vì đồng lira lao dốc đã khiến giá khí đốt tự nhiên, nhiên liệu của nhà máy, tăng vọt.
Hôm 17-8, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody và S&P đã xếp hạng Thổ Nhĩ Kỳ ngang bằng với Argentina và Hy Lạp. “Sự thiếu vắng một phản ứng chính sách tiền tệ đối với sự sụp đổ của đồng lira và giọng điệu hùng biện của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã càng làm gia tăng khó khăn trong khôi phục ổn định kinh tế”, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch khẳng định.
Các nhà kinh tế hoài nghi về những tuyên bố của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhà kinh tế Refet Gurkaynak, làm việc tại trường Đại học Bilkent ở Ankara, nói: “Khi bạn từ chối thừa nhận có những vấn đề thực sự… nếu chỉ nói về các thị trường tài chính hoặc chính quyền Trump “chơi xấu”, thì khó khăn sẽ không tự bay đi. Mọi người sẽ không còn tin rằng mọi thứ sẽ ổn khi các công ty xây dựng vẫn đang loay hoay không thể bán được nhà và các khoản nợ thì ghì chặt lấy họ”.
Tờ Foreign Policy cho rằng, sự kháng cự hiện nay sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá, dù dưới dạng các khoản thanh toán khổng lồ nợ công ty hay chỉ là giá cả hàng hóa tăng vọt trên thị trường. Nhưng đối với hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ, sự thách thức của Tổng thống Erdogan khi đối mặt với kiểu “bắt nạt” của Mỹ là anh hùng, và vì điều đó họ sẵn sàng trả giá.
THU HẰNG