.

Sống sót sau 13 tháng trôi dạt trên biển

Cập nhật: 14:38, 27/07/2018 (GMT+7)

Ngày 30-1-2014, vợ chồng Emi Libokmeto và Russel Laikidrik, là ngư dân ở quần đảo Marshall - một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, khi ra bờ biển để sửa chữa chiếc thuyền đánh cá của họ, bỗng nhìn thấy một người đàn ông tay cầm một con dao từ dưới nước đi lên, miệng hét lớn bằng tiếng Tây Ban Nha. Người này được đưa đến đồn cảnh sát. Tại đồn cảnh sát, người đàn ông khai tên mình là Jose Salvador Alvarenga, ngư dân ở Salvador, một quốc gia Nam Mỹ. Theo Alvarenga, trong một chuyến đi đánh cá, ông ta gặp bão và bị trôi dạt trên biển suốt 13 tháng.

TAI BAY VẠ GIÓ

Alvarenga trên con thuyền composite, 2 năm trước ngày bị trôi dạt.
Alvarenga trên con thuyền composite, 2 năm trước ngày bị trôi dạt.

Sáng 17-11-2012, Alvarenga cùng người bạn chài là Ezequiel Cordoba xuất phát từ làng Costa Azul, gần đảo Pijijiapan, ngoài khơi bờ biển bang Chiapas, Mexico trên một chiếc thuyền làm bằng composite dài 7m, rộng 3m, có gắn một động cơ 40 mã lực. Trên thuyền, ngoài chiếc thùng lớn chứa nước đá để ướp cá, thì còn có mấy cái bánh burritos - là loại thức ăn truyền thống của người Mexico gồm bột mì nướng cuộn với đậu răng ngựa và thịt heo xay, cùng cái bình đựng 10 lít nước. Dự định của Alvarenga là họ chỉ ra biển trong khoảng 30 tiếng để câu cá mập, cá cờ và cá ngừ bông. Theo Alvarenga, trong những chuyến đi trước đó, bạn đồng hành với ông là Marina Ortega, vợ ông nhưng do vợ bị bệnh bất ngờ nên ông phải nhờ Ezequiel Cordoba giúp đỡ mặc dù ông biết anh ta còn thiếu kinh nghiệm đi biển.

Sinh ra ở thị trấn Garita Palmera, tỉnh Ahuachapan, Alvarenga là con của ông Jose Ricardo Orellana và bà Maria Julia Alvarenga, chủ một nhà máy xay xát bột mì. Sau khi lấy vợ, có một đứa con gái, năm 2002 Alvarenga để con cho cha mẹ nuôi dưỡng rồi cùng vợ đến Mexico làm thuê trên chiếc tàu đánh cá. Thời gian sau, tích lũy được ít tiền, Alvarenga mua con thuyền nhỏ, tự mình kiếm sống.

Trở lại với chuyến đi biển ngày 17-11-2012, sau khoảng 6 tiếng, Alvarenga cùng Ezequiel Cordoba bắt được chừng 500kg cá thì họ gặp một cơn bão. Alvarenga kể: “Những cơn gió thổi với tốc độ 80 đến 100km/giờ khiến chiếc thuyền nhỏ của tôi nhiều lần muốn lật úp. Đã vậy, động cơ lại hư, còn ăng ten định vị vệ tinh bị sóng đánh gãy….”. Để giữ cho thuyền thăng bằng, Alvarenga buộc phải ném chiếc thùng nước đá chứa 500kg cá xuống biển. Lúc thấy cường độ cơn bão mỗi lúc một mạnh hơn, Alvarenga mở radio, phát tín hiệu cấp cứu nhưng định mệnh một lần nữa lại chơi khăm ông: Vừa phát được hai lần tín hiệu SOS thì radio hết pin!

Suốt 5 ngày sau đó, Alvarenga và Ezequiel Cordoba căng mình chống chọi với bão. Khi biển lặng sóng êm, họ nhìn lại chiếc thuyền thì mới hay các mái chèo đã bị sóng cuốn đi hết, mỏ neo cũng mất, động cơ hư hỏng nên không có điện để sạc ắc quy cho radio cũng như thắp sáng các bóng đèn. 150m lưới đánh cá giờ chỉ còn vài sợi dây thừng. Alvarenga nói: “Tài sản duy nhất của chúng tôi chỉ là mấy mũi lao, một con dao và bình đựng nước. Còn chiếc thuyền thì tự do trôi dạt”.

Ở trên bờ, Đài Thông tin duyên hải đảo Pijijiapan nhận được tín hiệu cấp cứu của Alvarenga nhưng vì cơn bão quá lớn nên đến ngày 20-11, họ mới cử hai tàu cứu hộ lên đường tìm kiếm. Tuy nhiên, sau 4 ngày quần thảo trên vùng biển ngoài khơi bang Chiapas, nhóm cứu hộ không phát hiện dấu vết gì của Alvarenga nên họ bỏ cuộc. Alvarenga và Cordoba được tuyên bố là mất tích.

13 THÁNG GIỮA ĐẠI DƯƠNG

Alvarenga (giữa) đoàn tụ với gia đình.
Alvarenga (giữa) đoàn tụ với gia đình.

Những ngày đầu kể từ khi trôi dạt, Alvarenga còn đếm thời gian bằng cách vạch từng vạch lên vách thuyền nhưng rồi ông thấy nó vô vọng bởi sau 2 lần trăng tròn, ông vẫn không hề nhìn thấy một chiếc tàu hay một hòn đảo, một dải đất liền nào. Ông nói: “Chúng tôi bắt cá, rùa biển bằng lao, bắt chim hải âu, bắt sứa bằng tay và dĩ nhiên là chúng tôi ăn sống. Mỗi lần có mưa, chúng tôi tổ chức hứng nước bằng tất cả những gì có thể chứa được. Những ngày không mưa, thiếu nước, chúng tôi uống máu rùa và đôi khi phải uống cả nước tiểu của chính mình…”.

Đến cuối tháng thứ 3, Alvarenga vớt được một thùng nhựa, có lẽ rớt ra từ chiếc xuồng cứu sinh nào đó. Trong thùng có 6 gói thực phẩm khô, 2 túi nước, mỗi túi 4 lít, một bộ bông băng sơ cứu. Alvarenga nói: “Nửa tháng sau khi vớt được chiếc thùng thì Ezequiel Cordoba lăn ra bệnh. Anh ấy sốt cao, ói, mê sảng. Được 4 ngày, anh ấy không ăn uống gì nữa rồi chết”. Theo Alvarenga, khi thả xác Cordoba xuống biển, ông đã nghĩ đến việc tự tử nhưng niềm tin tôn giáo đã không cho phép ông làm chuyện đó: “Tôi giữ xác Cordoba trên thuyền 6 ngày. Lúc thả anh ấy xuống biển, tôi tự hỏi đến lượt tôi thì ai sẽ thả xác tôi…”.

Suốt 5 tháng sau đó, nhiều lần Alvarenga nhìn thấy những chiếc tàu container đi ở phía xa nhưng ông không có cách nào để những người trên tàu chú ý. Ông đã thử tạo ra lửa bằng cách cọ 2 mẩu gỗ với nhau nhưng không kết quả. Ông nói: “Mà nếu có lửa chăng nữa, tôi cũng chẳng có thứ gì để giữ cho ngọn lửa cháy lâu dài vì thuyền làm bằng composite, không cháy được”. Một lần, ông thấy một chiếc tàu quân sự chạy cách ông chỉ khoảng 5km. Cởi áo ra, ông vừa vẫy vừa la hét như điên dại rồi sau đó, ông khóc nức nở như một đứa con nít khi chiếc tàu càng lúc càng xa dần.

Sáng 30-1-2014, lúc thức dậy, Alvarenga phát hiện ở phía bên phải của chiếc thuyền, lờ mờ hiện ra một hòn đảo. Bằng tất cả mọi sức lực, ông dùng tay thay mái chèo, chèo về phía đó. Khi còn cách hòn đảo khoảng 1km, sợ sóng đẩy thuyền ra xa, Alvarenga nhảy xuống bơi vào rồi khi vừa bước chân lên bờ, ông nhìn thấy 2 người - là vợ chồng ngư dân Emi Libokmeto và Russel Laikidrik. Được cảnh sát đưa đến bệnh viện Majuro, Alvarenga phải nằm điều trị 11 ngày vì suy kiệt và mất nước. Lúc ấy Alvarenga mới biết nơi ông đặt chân lên là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Marshall. Theo các chuyên gia hàng hải, thuyền của Alvarenga đã trôi dạt trên đoạn đường dài 10.800km trong suốt 13 tháng và các dòng hải lưu đưa nó từ Mexico đến quần đảo Marshall.

Cesar Castillo, người bán chiếc thuyền composite cho Alvarenga nói: “Thật đáng kinh ngạc khi Alvarenga và  chiếc thuyền có thể chịu đựng sóng gió, tồn tại suốt hơn 1 năm”. Bác sĩ Claude Piantadosi thuộc Đại học Duke cho biết thịt chim tươi, máu rùa và sứa chứa nhiều vitamin C, và đó cũng là lý do vì sao Alvarenga không mắc phải bệnh scorbut - là bệnh gây ra do thiếu vitamin C ở những người ăn thực phẩm khô dài ngày, dẫn đến các hiện tượng suy kiệt vì chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, vết thương lâu lành.

Sau 11 ngày ở bệnh viện, Alvarenga trở về Salvador. Năm 2015, ông kể lại cho nhà báo Jonathan Franklin của tờ El Salvador Post về câu chuyện trôi dạt của mình, và nó trở thành cuốn sách “438 ngày lênh đênh trên biển”, bán rất chạy.

Ngay sau khi Jonathan Franklin phát hành cuốn sách, gia đình ngư dân Ezequiel Cordoba lập tức khởi kiện Alvarenga, đòi bồi thường 1 triệu USD vì “Alvarenga đã ăn thịt Cordoba để sống sót”. Tuy nhiên, do không có chứng cứ nên vụ kiện trở thành một trò cười…

VŨ CAO
(Theo The Traveller Magazine)

.
.
.