.

Số phận của một gián điệp Triều Tiên ở Hàn Quốc - Bài cuối: Mong manh ngày về

Cập nhật: 08:26, 20/04/2018 (GMT+7)

Thoạt đầu, khi bị hỏi cung, Ryol luôn khẳng định mình là công dân Hàn Quốc, làm việc ở tỉnh Oyeongju, còn việc ông bơi qua sông Yeomhwa chỉ là trò đùa nghịch trong một phút bốc đồng. Riêng viên thuốc độc giấu trong răng, Ryol nhất mực khai rằng ông không hề biết đến chuyện đó, rằng có ai đó đã “chơi khăm” khi ông đi làm răng tại một phòng khám tư của một nha sĩ ở Oyeongju.

Hiện tại, ông Ryol sống nhờ vào các anh chị em cùng những đứa cháu.
Hiện tại, ông Ryol sống nhờ vào các anh chị em cùng những đứa cháu.

Tuy nhiên, Cơ quan An ninh Hàn Quốc nhanh chóng phát hiện giấy tờ tùy thân của Ryol hoàn toàn là giả mạo và những lời khai của ông có những chi tiết không trùng khớp với sự thật ngoài đời. Quan trọng hơn cả là họ còn lấy được lời khai của nhân vật trong chính phủ về “lá thư người anh trai” gửi cho ông ta thông qua Seo Ok-Ryol. Và mặc dù lá thư đã bị nhân vật này đốt bỏ nhưng nó vẫn là bằng chứng gián tiếp để Hàn Quốc khẳng định Ryol là điệp viên Bắc Triều Tiên…

Trong suốt nhiều tháng sau đó, Ryol bị tra tấn bằng nhiều hình thức rất dã man nhưng ông vẫn không thừa nhận mình là gián điệp. Ông kể: “Tôi bị biệt giam, bị cùm 24/24 giờ. Nhằm khủng bố tinh thần tôi, nhiều lần lính canh cố ý cho tôi nhìn thấy một số điệp viên Bắc Triều Tiên bị bắt và bị đem đi xử bắn. Bữa ăn hàng ngày của tôi chỉ là một nắm cơm nhỏ và vài miếng củ cải muối. Trải qua 6 tháng, từ 70kg, tôi sụt mất gần 30kg…”.

Giữa năm 1963, Tòa án Quân sự Hàn Quốc kết án tử hình Seo Ok-Ryol với tội danh gián điệp, mặc dù ông không thừa nhận tội danh này. Trước tòa, ông chỉ nói rằng ông là nông dân, sống ở Bắc Triều Tiên và ông vượt tuyến sang Hàn Quốc vì tò mò muốn biết xã hội Hàn Quốc như thế nào, còn giấy tờ chứng minh ông là một viên chức của một cơ quan dân sự ở tỉnh Oyeongju thì ông khai rằng ông mua của một người không rõ danh tính mà ông tình cờ gặp trên đường đến Seoul. Việc ông vượt sông Yeomhwa quay về Bắc Triều Tiên là vì thương con nhớ vợ. Ông kể: “Phiên tòa có sự tham dự của mẹ tôi. Khi nghe tòa tuyên án tử hình, mẹ tôi nói bà sẽ làm đơn khiếu nại chính phủ vì tôi không phải là gián điệp”.

Đến cuối năm, án tử hình Seo Ok-Ryol được chuyển xuống thành chung thân với lý do: “Hoạt động gián điệp nhưng Seo Ok-Ryol mới chỉ tiến hành thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là tìm cách tạo ra mối quan hệ với một cá nhân ở Hàn Quốc và đã không thành công”.

Suốt những năm sau đó, Ryol vẫn bị biệt giam trong nhà tù và vẫn phải chịu sự đối xử khắc nghiệt. Đến năm 1973, một lần nữa ông lại bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình lần thứ 2 vì: “Cố ý tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản cho một tù nhân ở chung buồng giam” nhưng án tử hình chưa được thi hành vì các luật sư do mẹ ông thuê đã lập luận rằng “tuyên truyền chỉ là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm vì vấn đề là người được tuyên truyền có nghe và có làm theo những lời tuyên truyền đó hay không”.

Cũng trong năm này, Seo Ok-Ryol bị một chứng bệnh về mắt, có nguy cơ dẫn đến mù lòa. Ông kể: “Những viên chức ở nhà tù nói với tôi rằng họ sẽ đưa tôi đến một bệnh viện để chữa trị với điều kiện tôi phải từ bỏ lòng trung thành với Bắc Triều Tiên nhưng tôi từ chối. Điều này có nghĩa rằng tôi sẽ mất đi một con mắt nhưng tôi vẫn giữ được niềm tin của tôi vào đất nước Triều Tiên”.

Cũng cần nói thêm rằng những năm 1970, dưới chế độ quân sự độc tài ở Hàn Quốc, hầu hết tù nhân có liên quan đến Bắc Triều Tiên đều bị đối xử rất nghiệt ngã. Họ thường bị đánh đập, tra tấn bằng cách trấn nước, chiếu đèn vào mặt suốt đêm để không thể ngủ, bị bỏ đói, giam trong các xà lim tối đen, chật hẹp. Trả lời Hãng tin AFP và các phương tiện truyền thông quốc tế khác trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của Ryol vào tháng 7-2017, ông nói: “Cha mẹ tôi đã phải bán căn nhà đang ở để lấy tiền thuê luật sư và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho tôi suốt 2 phiên tòa. Khi họ chết, tôi vẫn còn trong tù”.

Năm 1993 - sau 30 năm chịu cảnh tù tội, Seo Ok-Ryol được trả tự do khi ông đồng ý ký vào một văn bản, cam kết tuân theo luật pháp Hàn Quốc và điều này đồng nghĩa là ông đương nhiên có quốc tịch Hàn Quốc. Trở về thành phố Gwangju, Hàn Quốc, gần nơi chôn nhau cắt rốn của ông, nơi mà những người anh chị em ruột của ông vẫn đang sinh sống, Ryol thuê một căn hộ và sống nhờ vào sự giúp đỡ của người thân.

Ông Ryol đọc bài thơ viết tặng vợ trên một chiếc quạt.
Ông Ryol đọc bài thơ viết tặng vợ trên một chiếc quạt.

4 năm sau đó, một phụ nữ Hàn Quốc định cư ở Đức được phép đi thăm Bình Nhưỡng rồi lúc sang Seuol, bà này đã đến gặp Ryol. Trong cuộc gặp, bà cho biết vợ cùng 2 con trai của Ryol vẫn khỏe mạnh nhưng khuyên ông không nên tìm cách liên lạc với họ vì điều ấy có thể cản trở vị trí xã hội của họ. Ông nói: “Tôi mừng vì vợ con tôi vẫn còn sống và vẫn bình an nhưng hy vọng gặp lại họ thì vẫn là một cái gì đó rất xa vời”.

Năm 2000, sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, phía Hàn Quốc cho phép 60 cựu tù nhân được trở về Bình Nhưỡng. Người ở tù ít nhất cũng đã 18 năm và đa số là lính Bắc Triều Tiên bị bắt trong những cuộc xung đột ở khu phi quân sự và các điệp viên. Tuy nhiên, danh sách này không có tên Seo Ok-Ryol vì ngoài việc có quốc tịch Hàn Quốc, Ryol cũng đã ký vào văn bản cam kết tuân thủ luật pháp Hàn Quốc, trong đó có điều khoản “không đòi hỏi để được quay lại Bình Nhưỡng”. Trả lời phỏng vấn của Hãng tin AFP, Ryol nói: “Tôi vẫn giữ vững lòng trung thành với miền Bắc. Đó là một xã hội bình đẳng, nơi mọi người đều được đối xử như nhau. Khác với Hàn Quốc, mọi thanh niên ở Bắc Triều Tiên đều có thể tốt nghiệp trường đại học hàng đầu Bắc Triều Tiên là Đại học Kim Il Sung mà không phải trả tiền học phí, mọi người đến tuổi lao động đều có việc làm…”.

Hiện tại, Seo Ok-Ryol đã 90 tuổi và vẫn sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Mặc dù vài lần phải nằm bệnh viện vì chứng đau tim nhưng đầu óc ông vẫn còn rất minh mẫn. Để hỗ trợ ông, 25 nhóm hoạt động nhân quyền ở thành phố Gwangju đã trình lên Chính phủ Hàn Quốc một đơn kiến nghị, cho phép Ryol cùng 17 cựu tù nhân - trong đó người già nhất đã 94 tuổi - được trở về Bình Nhưỡng. Đơn kiến nghị có đoạn: “Điều duy nhất mà ông Seo Ok-Ryol ước muốn bây giờ là ông ấy được chết ở nhà, bên cạnh người vợ và 2 đứa con. Cho dù ông ấy có là gián điệp chăng nữa thì ở tuổi 90, ông ấy đã hoàn toàn vô hại”.

Khi được hỏi nếu phía Hàn Quốc cho Ryol trở về Bình Nhưỡng, câu đầu tiên mà ông sẽ nói với vợ lúc gặp lại là gì, Ryol nghẹn ngào: “Anh muốn nói là anh cảm ơn em vì em vẫn còn sống, vì em đã thay anh nuôi dạy 2 con nên người. Anh lúc nào cũng nhớ em vì anh chưa từng nghĩ rằng anh sẽ phải xa em suốt một quãng thời gian dài như vậy…”.

VŨ CAO
Theo History

.
.
.