Xin làm đôi chân cho mẹ
Con trai thường không rành bếp núc. Con trai hay ngại ngần khi thể hiện tình cảm. Con trai cũng ít khi rơi lệ. Nhưng Đoàn Nguyễn Ngọc Tuấn thì khác. Em giặt áo, nấu cơm, gọt trái cây cho mẹ ăn. Em xoa bóp dầu cho đôi chân của mẹ bớt lạnh về đêm. Em gục đầu lên vai mẹ khi nói về lỗi lầm của mình. Ba đột quỵ qua đời, mẹ chấn thương cột sống dẫn tới liệt 2 chân, Tuấn trở thành “trụ cột gia đình” trong sự vụng về, non nớt nhưng đầy nghị lực của cậu bé 14 tuổi.
Tuấn xoa bóp chân giúp mẹ đỡ tê buốt, có giấc ngủ ngon. |
1. Khi tôi tỉnh dậy, tôi đang ở trong bệnh viện. Giường drap trắng toát. Tiếng dao kéo chạm vào khay y cụ loảng xoảng. Cái cảnh này y như hồi chồng tôi phẫu thuật cắt 1/3 bao tử do ung thư. Ca cấp cứu và mổ cột sống kéo dài gần 8 tiếng của tôi chỉ thành công một nửa: tôi được cứu sống, nhưng cả 2 chân bị liệt. Điều tôi nghĩ đến đầu tiên là thằng bé con 5 tuổi của tôi, nó đâu rồi, ai đang chăm nó. Mình có mệnh hệ gì thì nó ở với ai. Thời điểm đó, chồng tôi đang điều trị ung thư và hen suyễn. Năm 2006, lúc tôi và ba cháu lấy nhau, chúng tôi đều nghèo. Anh dãi dầu nắng mưa làm phao dù ngoài bãi tắm. Tôi là nhân viên nấu bếp một trường mầm non tư thục. Hàng ngày, chị em cấp dưỡng chúng tôi đến trường từ 4 giờ sáng để kịp nấu 3 bữa sáng, trưa và phần ăn xế cho trẻ; rồi làm vệ sinh bếp, các phòng học. Đồng lương cũng ít ỏi nhưng khéo thu vén, cuộc sống gia đình tôi rất hạnh phúc. Nhất là khi Tuấn ra đời, cháu kháu khỉnh, khỏe mạnh và chơi ngoan cho ba mẹ đi làm. Khi Tuấn lên 2, bệnh của ông xã tôi bộc phát. Anh hen suyễn nặng và ung thư phải cắt đi 1/3 bao tử. Tôi vừa lo chăm chồng ốm ra vào viện, vừa lo con nhỏ. Để có tiền xoay xở cuộc sống, tôi xin đi giúp việc nhà vào các buổi tối và 2 ngày cuối tuần. Ra khỏi cổng trường là tôi chạy như bay tới nhà chủ cho kịp việc. Chẳng may một lần nọ đang lau kính cửa sổ, tôi rớt từ tầng 1 xuống bất tỉnh… Sau ca mổ, tôi khủng hoảng thật sự. Người phụ nữ 34 tuổi khỏe mạnh với bao ước vọng, bao toan tính để có thể thay đổi số phận là tôi đã trở thành quá khứ. Có lúc chạm đến đáy của sự yếu đuối, khổ đau, bất lực, tôi toan từ bỏ cuộc sống… Trời lại không thương tôi một lần nữa khi đã lấy đi cuả tôi một nửa cuộc đời: Chồng tôi mất sau một cơn đột quỵ vào năm 2017. Tuấn lúc đó vừa tròn 10 tuổi. Trong tôi lại bừng dậy ý chí của người mẹ. Tôi phải sống để con tôi không mồ côi. Tôi phải sống, để dù có nghèo, cũng nuôi dạy con nên người.
Tuấn bố trí chỗ học và chỗ ngủ ngay chân cầu thang, sát bên giường mẹ nằm để giúp khi mẹ cần. |
2. Ngày ba con mất, con chỉ biết là ba bỏ mình mà đi, không trở về nữa. Con khóc, con gào đòi ông Trời trả ba con lại cho con. Vì ba mất rồi ai chở con đi học? Ai đi tắm biển với con? Ai chơi đá bóng với con? Buổi cơm trưa đầu tiên không còn ba, con nhứt quyết không ăn, vì… không ai gỡ xương cá cho con. Mẹ thương con, dỗ dành con, chiều chuộng con, con càng đòi hỏi, vòi vĩnh. Và rồi con… trốn học đi lang thang. Sau đó là chơi game, ngồi ở tiệm net cả ngày lẫn đêm. Rồi con tuyên bố: Con nghỉ học! Mẹ khóc hết nước mắt con cũng không mảy may xúc động. Một ngày nọ, dì Út bận việc không qua giúp, mẹ con phải di chuyển bằng hai tay kéo theo thân hình nặng nề để vo gạo, nấu cơm, rửa rau, kho cá. Mẹ vừa làm vừa xoa bóp cái chân đang bị teo tóp lại do di chứng cột sống. Ngồi nhìn mẹ một mình làm hết mọi việc mà người bình thường làm cũng đã vất vả, tự nhiên con bừng tỉnh, như người đi lạc bao nhiêu năm nay tìm về tới nhà. Con khóc to lên còn hơn hôm ba con mất. Con biết lỗi của mình, đã không nghe lời, thậm chí ngược đãi mẹ, phụ lòng thương yêu của thầy cô, của các cô chú ở phường. Con tự đến trường THCS Huỳnh Khương Ninh tìm cô chủ nhiệm xin đi học lại. Cô không những không la trách con mà còn kêu các bạn giúp con ôn bài. Nhiều bạn còn xin ba mẹ đem cặp cũ, sách vở, áo quần cho con. Các thầy cô giáo bộ môn dạy kèm cho con không thu học phí. Nhờ vậy mà mấy năm nay con đều đạt học sinh tiên tiến. Bây giờ thì ngoài giờ học con chạy lẹ về nhà, nấu cơm, rửa chén, giặt giũ, dọn dẹp nhà. Mỗi đêm con đều xoa bóp dầu cho chân mẹ con đỡ tê buốt. Đôi chân mẹ sẽ không trở lại được như xưa. Nên con sẽ làm mọi thứ để mẹ bớt cực. Con sẽ là cánh tay, là đôi chân của mẹ. Mẹ sống khỏe thêm được ngày nào đều là nhờ vào con thôi.
Đại diện Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Bà Rịa – Vũng Tàu cho quà, gạo cho mẹ con chị Thu, cháu Tuấn. |
3. Tôi là đồng hương, là bạn bè từ hồi còn trẻ với anh Ninh. Tôi biết rất rõ hoàn cảnh gia đình anh Ninh, chị Mộng Thu từ hồi họ quen nhau, rồi cưới nhau, có con. Đó là một tổ ấm bình dị. Anh Ninh lúc sinh thời là người chăm chỉ, chịu thương chịu khó, hay giúp đỡ mọi người. Chị Thu giỏi giang, khéo vén. Sau tai nạn lao động bị liệt cả hai chân và chồng đột quỵ qua đời, chị vẫn kiên cường nuôi dạy con, vững tin vào cuộc sống. Cháu Tuấn cũng đã trưởng thành sau lần vấp ngã. Biết tính toán, sắp xếp việc nhà như người đàn ông thực thụ. Thấy mẹ không đi lại được, Tuấn dời tất cả những vật dụng cần thiết tới gần tầm tay mẹ để tiện sử dụng khi Tuấn không có nhà. Tuấn ngủ ngay chân cầu thang, sát bên cái giường sắt mẹ nằm để khi mẹ cần là vùng dậy. Các cô chú ở phường đưa tiền trợ cấp đến, các bác ở Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng cho quà, cho gạo, Tuấn cảm ơn rồi cất gọn vào các ngăn kệ. Chị họ cho chiếc máy tính cũ để học online trong mùa dịch, Tuấn mày mò lên mạng học Toán, bắt chước giọng đọc tiếng Anh của người bản xứ, tra tìm các biện pháp và thông tin phòng chống COVID-19 đọc cho mẹ nghe. Mùa hè, Tuấn theo các anh chị đoàn viên trong phường đi làm việc thiện nguyện. Một gia đình gặp nhiều rủi ro và nghèo khó nhưng hết sức lạc quan vượt qua số phận.
* *
*
Câu chuyện được kể lại trong căn nhà 15m2 (160/20, Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP.Vũng Tàu) giữa bề bộn các vật dụng cũ kỹ có được từ bãi phế liệu mà Tuấn chắp nhặt lượm về. Ánh đèn vàng duy nhất từ góc cầu thang chiếu chếch góc đượm màu ảm đạm. Tiền hỗ trợ hàng tháng của chính quyền; phần học bổng động viên của nhà trường; lon gạo, cái áo và sự ân cần thăm hỏi, động viên của bác đồng hương Nguyễn Thành Kính như những tia sáng le lói cuối ngày. Hai mẹ con chị Thu và cháu Tuấn dẫu vậy cũng chưa thể vượt qua cái nghèo khó của mưu sinh đời thường. Và một đứa trẻ như Tuấn cũng xứng đáng để được đùm bọc, được yêu thương. Xin hãy cho em cơ hội được làm đứa con hiếu thảo, một công dân hữu ích mai sau.
Mọi sự giúp đỡ đến gia đình chị Nguyễn Thị Mộng Thu xin được gửi đến “Quỹ Tấm lòng vàng” Báo Bà Rịa – Vũng Tàu (68, Trường Chinh, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa). Điện thoại: 0254.3533.533 – 0941.666.000. Số tài khoản: 0081001347137 Vietcombank Vũng Tàu; 76110007666668 BIDV Bà Rịa. Hoặc trực tiếp giúp đỡ gia đình tại địa chỉ 160/20, Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP.Vũng Tàu. Điện thoại liên hệ: 0909.612695
Bài, ảnh: GIA AN
Chuyên mục KẾT NỐI YÊU THƯƠNG mong nhận được thông tin của bạn đọc về các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn... Ban Biên tập sẽ cử người xác minh và đăng tải trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Thông tin giới thiệu gửi về email: baobrvt@gmail.com hoặc Quỹ “Tấm lòng Vàng”, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (68, Trường Chinh, TP.Bà Rịa). |