Tầm nhìn của Du lịch An Giang
Sau nhiều năm cải thiện phương thức hoạt động và chất lượng quản lý, đến nay mục tiêu đẩy mạnh ngành du lịch trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế cả tỉnh của Công ty CP Du lịch An Giang (An Giang Tourimex) đã đề ra trước đó dần trở nên rõ ràng và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho tỉnh nhà.
Trong đầu năm 2019, ngành du lịch An Giang tự hào khi đón nhận hai kỷ lục Việt Nam, đặc biệt hơn khi cả hai kỷ lục đó cùng thuộc về một điểm du lịch - KDL Trà Sư. Đó là thành quả cho những quyết định táo bạo và đầy sáng suốt của đơn vị đầu tư, cùng sự phối hợp nhịp nhàng từ chính quyền. Tính trong năm này, cả tỉnh An Giang đã đón hơn 9 triệu lượt khách tham quan và lưu trú. Theo báo cáo từ Ban quản lý KDL Trà Sư, từ đầu năm 2019 lượng khách du lịch Trà Sư chào đón đã tăng đến 130% so với năm trước.
Ông Trần Minh Trí (bìa phải) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen tặng vì những đóng góp tích cực đối với ngành du lịch tỉnh An Giang. |
Vì thành tựu đáng tự hào đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang vừa qua đã trao bằng khen vinh dự cho ông Trần Minh Trí - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2015, định hướng đến năm 2020. Dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong ngành du lịch, nhưng bằng sự nhạy bén trong tư duy, thích nghi nhanh với thay đổi, KDL Trà Sư nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động mang tính nhân văn cao như thả cá dụ chim trời, tiếp tục cải tạo cảnh quan khu rừng theo hướng phát triển sinh thái bền vững… Bằng những hoạt động “ấm tình” ấy, Trà Sư vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong năm 2020 đầy biến động.
Thiên đường hoa giấy cùng vô số kể các loại chim cò nhộn nhịp đón xuân tại KDL Trà Sư. |
Họa nên bức tranh sơn dầu sặc sỡ trên nền màu xám của ngành du lịch Việt Nam giai đoạn vừa qua, An Giang Tourimex không chỉ dừng lại ở việc tận dụng khai thác tối ưu và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện hữu. Bằng cách liên kết với cộng đồng dân cư địa phương, giúp họ tham gia vào hoạt động du lịch tại Trà Sư không chỉ nâng cao giá trị văn hóa, mở rộng chất lượng du lịch, mà còn đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo nhiều việc làm cho bà con trong và ngoài vùng. Qua đó các sản phẩm đã và đang được đăng ký sản phẩm OCOP như mật ong rừng tràm Trà Sư và các sản phẩm trên địa bàn như rượu cà na, rượu thốt nốt…
Tham luận tại Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/01/2013 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh An Giang vừa qua, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển loại hình du lịch sinh thái tại địa phương. “Những hoạt động của du lịch sinh thái không chỉ tạo cho du khách cảm giác thoải mái qua chiêm ngưỡng vẻ kỳ thú của thiên nhiên mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về văn hóa cộng đồng, những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc”.
Quần thể du lịch tiêu biểu tại hai huyện biên giới giúp du khách hiểu được ý nghĩa của những giá trị phi vật thể xung quanh, nâng cao sự hiểu biết về các giá trị lịch sử xuyên suốt các sự kiện chiến tranh thông qua những vật thể thời chiến. KDL Đồi Tức Dụp không chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử trong và ngoài nước, nó còn là một điểm đến có sức hấp dẫn lớn của du lịch An Giang. Đồi Tức Dụp cuốn hút du khách bởi sự phong phú của hệ thống hang động được tạo ra từ các khối đá granite tự nhiên dài nhất Việt Nam vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam gần đây và vẻ đẹp choáng ngợp của nét mỹ thuật hiện đại được dung hòa trong từng công trình kiến trúc giải trí.
KDL Tức Dụp xác lập kỷ lục với hang động được tạo từ các khối đá granite tự nhiên dài nhất Việt Nam. |
Với những bước tiếp thành công của Du lịch An Giang, ngành công nghiệp không khói của tỉnh An Giang sẽ nhanh chóng trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, thu về hàng nghìn tỷ đồng cho địa phương trong tương lai, bằng tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp du lịch vì cộng đồng.
TRỌNG TUẤN