Dược sĩ Nguyễn Trang hướng dẫn cách phân biệt trà Atiso đỏ và Atiso xanh? Uống loại nào tốt hơn?

Thứ Bảy, 28/12/2024, 09:58 [GMT+7]
In bài này
.

Không thể phủ nhận rằng Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có nguồn thảo dược thiên nhiên vô cùng phong phú. Vậy, có sự khác nhau gì giữa trà Atiso đỏ và Atiso xanh? Dưới đây là những chia sẻ của dược sĩ Nguyễn Trang giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt và sử dụng đúng cách.

 

Trà Atiso - thức uống giàu dưỡng chất

Văn hóa trà đạo ngày càng phổ biến và atiso cũng vì thế mà không còn xa lạ với nhiều người. Atiso chứa hàm lượng cao các hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa, chống lại những tác động bất lợi của gốc tự do đối với cơ thể con người từ đó ngăn ngừa được một số bệnh lý nhất định. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chiết xuất Atiso thể hiện hoạt tính chống viêm, bảo vệ tim, bảo vệ gan rất nổi bật.

Trong Y học cổ truyền, Atiso có tác dụng lợi tiểu, không độc, cụm hoa chỉ chứa một lượng nhỏ tinh bột do đó rất phù hợp trong chế độ ăn kiêng ở những bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, Atiso còn có tác dụng rất tốt đối với bệnh nhân suy gan, suy thận, sưng viêm ổ khớp, viêm thận cấp tính, viêm thận mạn tính.

Atiso đỏ và Atiso xanh có phải là một?

Nhiều người lầm tưởng rằng, Atiso xanh và Atiso đỏ là họ hàng của nhau, chỉ khác nhau về màu sắc. Tuy nhiên, đây là 2 loại cây hoàn toàn khác nhau từ đặc điểm thực vật đến công dụng đối với sức khỏe.

 

Dược sĩ Nguyễn Trang của nhà thuốc Central Pharmacy (website trungtamthuoc.com) sẽ chỉ bạn 3 đặc điểm để phân biệt 2 loại này:

Nguồn gốc

- Atiso (tên khoa học Cynara scolymus L.) thuộc họ Cúc (Asteraceae) có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, đây có thể là loài được thuần hóa từ một loài mọc hoang dại. Hiện nay, cây được trồng nhiều ở nhiều quốc gia khác. Tại nước ta, Atiso được người Pháp mang vào từ thế kỷ 19, cây sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có khí hậu ẩm mát. Tại Việt Nam, cây được trồng ở Sa Pa, Đà Lạt, đây là những khu vực có khí hậu mát mẻ, những cây trồng ở đây có khi cao tới 1,5 mét, ra hoa và kết quả nhiều, những cây trồng ở Hà Nội hay những khu vực khác thường sinh trưởng kém hơn.

- Bụp giấm (tên khoa học là Hibiscus sabdariffa L.) thuộc họ Bông (Malvaceae) có nguồn gốc ở Tây Phi, hiện nay được trồng nhiều ở một số quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippin,... Cây được du nhập và trồng tại nước ta cách đây khoảng 10 năm, sinh trưởng tốt ở những nơi có khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình khoảng 23 đến 24 độ C. Cây sinh trưởng và phát triển tốt được ở trên nhiều loại đất bao gồm cả đất chua ở vùng Ba Vì (Hà Nội). Bụp giấm là loài cây nhiệt đới nên ưa ẩm và có khả năng chịu hạn nhẹ.

Đặc điểm thực vật

 

- Atiso thuộc dạng cây thảo, kích thước lớn, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,2 mét, một số cây có thể cao đến 2 mét. Thân cây ngắn, cứng. Lá to, mọc so le, phiến xẻ thùy. Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành, hoa màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt. Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm, có mào lông trắng.

- Bụp giấm thuộc dạng cây bụi, thân cây có màu lục hay màu đỏ tía. Cành nhẵn hoặc hơi có lông. Lá cây mọc so le, nguyên ở gốc, lá phía trên chia thùy, mép có răng cưa. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, hoa to, có màu đỏ tía sẫm. Quả nang, hình trứng, có lông mịn.

Công dụng đối với sức khỏe

- Atiso vừa được dùng làm thực phẩm vừa được dùng làm thuốc chữa bệnh. Lá cây có vị đắng, có tác dụng lợi tiểu, thường được dùng trong trường hợp phù, thấp khớp. Cây còn được dùng để làm thuốc thông tiểu, thông mật, làm thuốc nhuận tràng cho trẻ em. Atiso được dùng để chữa viêm thận cấp và mạn, suy gan, suy thận, sưng xương khớp. Ngoài ra, loại thảo dược này còn giúp điều hòa lượng cholesterol trong máu, thường được dùng trong chế độ ăn kiêng ở bệnh nhân đái tháo đường.

- Bụp giấm có vị chua, lá cây thường được dùng làm rau ăn hoặc dùng để làm mứt, nước giải khát, siro, có thể đem lá phơi khô sau đó nấu nước uống. Nước hãm từ lá cây có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa cao huyết áp, các bệnh gan mật, thần kinh. Lá, quả và đài hoa còn được dùng để chữa bệnh Scorbut. Nước hãm từ đài hoa có tác dụng lợi mật, nhuận tràng, điều hòa huyết áp, kích thích nhu động ruột. Lá cây có tác dụng an thần, làm mát.

Kết luận

Dược sĩ Nguyễn Trang cho biết, Atiso và Bụp giấm đều là những loại thảo dược có nhiều công dụng cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng bạn đọc cũng cần phân biệt kỹ càng, sử dụng đúng mục đích để đạt được hiệu quả tốt nhất.

 
;
.