.

Án hành chính tăng, vì sao?

Cập nhật: 16:26, 16/05/2025 (GMT+7)

Để thực hiện hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã ban hành nhiều quyết định hành chính liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường đất. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc khiếu kiện về hành chính tăng cao.

Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong xét xử và tổ chức thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1/10/2022 đến 31/12/2024. Trong ảnh: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND TP.Vũng Tàu vào cuối tháng 4/2025.
Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong xét xử và tổ chức thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1/10/2022 đến 31/12/2024. Trong ảnh: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND TP.Vũng Tàu vào cuối tháng 4/2025.

Phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai

Báo cáo với Đoàn ĐBQH tỉnh tại giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong xét xử và tổ chức thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1/10/2022 đến 31/12/2024 vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Tư pháp (TP.Vũng Tàu) cho biết, để triển khai các dự án trên địa bàn, trong năm 2023 và 2024, UBND thành phố đã ban hành 4.218 quyết định hành chính liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường đất. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ khởi kiện hành chính của người dân. Các quyết định hành chính bị khởi kiện hầu hết là lĩnh vực đất đai rất phức tạp. Trong khi công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương có thời điểm chưa chặt chẽ, chính xác và hồ sơ không đầy đủ… Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa theo kịp sự thay đổi của đời sống xã hội.

Theo ông Nam, trong các vụ kiện hành chính, người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND. Nhưng do phải thực hiện nhiều công việc nên chủ tịch UBND các cấp không thể tham gia đầy đủ các phiên tòa theo quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính (TTHC). Đặc thù của cơ quan hành chính là các ý kiến và hồ sơ liên quan đến vụ án đều giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu, sau đó trình chủ tịch UBND có ý kiến nên cần nhiều thời gian thu thập chứng cứ, tổng hợp, báo cáo người có thẩm quyền là chủ tịch UBND cho ý kiến trước khi gửi đến tòa án theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ công vụ theo bản án quy định của pháp luật thì phải tuân thủ Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng... “Sau khi có bản án tòa tuyên, UBND thành phố chủ động tổ chức thi hành. Tuy nhiên, một số bản án liên quan đến nguồn kinh phí chi trả bồi thường do phải xác định giá đất, nguồn chi trả của chủ đầu tư... dẫn đến công tác thi hành án kéo dài”, ông Nam nói.

Về nguyên nhân việc tổ chức xét xử án hành chính chậm, ông Trần Văn Vui, Chánh án TAND tỉnh cho biết, việc cung cấp tài liệu chứng cứ của các cơ quan, tổ chức cho tòa án thực hiện rất chậm. Nhiều vụ án thụ lý hơn 6 tháng, thậm chí đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng người bị kiện vẫn chưa có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện hoặc chưa cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan cho tòa án. Bên cạnh đó, Điều 10 Luật TTHC chỉ quy định về nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không quy định về chế tài trong trường hợp các cơ quan này không cung cấp tài liệu, chứng cứ. 

Tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai

Nhằm giải quyết án hành chính ngày càng tăng, UBND TP.Vũng Tàu đề xuất tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai; Tham gia quá trình tố tụng, tổ chức thi hành án hành chính đầy đủ, kịp thời; Ban hành quyết định hành chính đảm bảo đúng quy định về nội dung, trình tự, thể thức và thẩm quyền. Việc lập hồ sơ xét bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất từ phường, xã đến thành phố phải đảm bảo chính xác, đúng thực tế và đúng quy định. 

Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các chính sách về bồi thường và thực hiện đúng các trình tự, thủ tục quy định; Lưu trữ hồ sơ chặt chẽ và cung cấp hồ sơ, tài liệu đầy đủ khi tham gia phiên tòa; Xây dựng kế hoạch thi hành án theo từng vụ việc, có lộ trình, thời gian, trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện.

Về phía TAND tỉnh, ông Trần Văn Vui kiến nghị cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện quy định pháp luật về đối tượng bị kiện trong khiếu kiện về quản lý đất đai; Rà soát loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, xây dựng hệ thống pháp luật đất đai thống nhất, đồng bộ.

Từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2024, TAND tỉnh thụ lý 1.224 vụ án hành chính, đã giải quyết 679 vụ, đạt tỷ lệ hơn 55%. Số vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, khiếu nại hành chính 1.120 vụ. Riêng TP.Vũng Tàu có 187 bản án hành chính phải thi hành, trong đó có 117 bản án đã thi hành xong, 70 bản án đang thi hành.

Đối với TAND Tối cao, các bộ, ngành Trung ương, cần kịp thời ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thay thế các nghị quyết đã hết hiệu lực; Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phổ biến để ban hành nghị quyết hướng dẫn mới...

Các địa phương cũng cần nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc cho UBND. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra đối với việc ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần hạn chế các quyết định hành chính bị khởi kiện ra tòa án.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
.
.
.