.

Lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho hành vi đánh bắt thủy sản trái phép

Cập nhật: 17:19, 16/04/2025 (GMT+7)

Do đánh bắt thủy sản không hiệu quả, Duy liên lạc và gửi 2 thiết bị giám sát hành trình tàu cá sang tàu của Lý nhằm qua mặt lực lượng chức năng để đi đánh bắt thủy sản ở vùng cấm. Hành vi này khiến 2 bị cáo lãnh tổng cộng 14 năm tù.

TAND tỉnh xét xử lưu động đối với 2 bị cáo có hành vi tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình tàu cá để đi đánh bắt thủy sản trái phép.
TAND tỉnh xét xử lưu động đối với 2 bị cáo có hành vi tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình tàu cá để đi đánh bắt thủy sản trái phép.

Gửi thiết bị giám sát hành trình

Ngày 15/4, TAND tỉnh xét xử lưu động Phạm Ngọc Duy (SN 1986) và Phan Minh Lý (SN 1973, cùng ngụ TP.Vũng Tàu) về tội “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”. Phiên xét xử thu hút đông đảo người và ngư dân địa phương tới dự khán.

Theo cáo trạng, ngày 21/4/2024, tổ tuần tra, kiểm soát trên biển của Chi đội Kiểm ngư số 2 phát hiện tàu cá biển số BV-97057-TS cách đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia 4 hải lý về phía Indonesia. Nghi ngờ tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt thủy sản trái phép nên lực lượng Kiểm ngư đã kêu gọi quay về vùng biển Việt Nam nhưng tàu này bỏ chạy.

Chiều hôm sau, Chi đội Kiểm ngư số 2 phát hiện tín hiệu thiết bị giám sát hành trình tàu cá BV-97057-TS hoạt động tại vị trí thuộc vùng biển Việt Nam. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tàu BV-5705-TS đang giữ thiết bị giám sát hành trình của tàu BV-97057-TS.

Ngoài ra, còn phát hiện trên tàu BV-97607-TS đang giữ thiết bị giám sát hành trình của tàu BV-97978-TS. Chi Đội Kiểm ngư số 2 phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh lập hồ sơ vi phạm, đồng thời yêu cầu 2 tàu BV-97978-TS và BV-97057-TS về bờ để phối hợp giải quyết.

Qua điều tra xác định, Duy làm thuyền trưởng và được giao quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản đối với tàu BV-97978-TS và BV-97057-TS. Do việc đánh bắt không hiệu quả, Duy nảy sinh ý định gửi thiết bị giám sát hành trình của 2 tàu mình quản lý sang tàu khác để đi đánh bắt hải sản ở vùng cấm.

Duy liên lạc qua bộ đàm với Lý là thuyền trưởng, quản lý tàu cá BV-97607-TS và tàu BV-5705-TS để xin gửi thiết bị giám sát hành trình và được đồng ý. Sau đó, Duy tháo thiết bị giám sát hành trình trên 2 tàu mình quản lý và giao cho Lý cất dấu trên 2 tàu cá do người này quản lý.

Do đánh bắt ở vùng lộng thấy ít hải sản nên Duy chỉ đạo thuyền viên đưa tàu đến vùng biên giới với Indonesia để đánh bắt. Trên tàu có sẵn 10 biển số, Duy chỉ đạo thuyền viên treo lên 2 tàu để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Khi bị lực lượng Kiểm ngư phát hiện, Duy chỉ đạo thuyền viên cắt lưới đang đánh bắt hải sản, điều khiển tàu bỏ chạy. Bị Kiểm ngư truy đuổi, Duy chỉ đạo thuyền viên bôi nhớt vào biển số tàu cá BV-97057-TS để tránh bị chụp hình xử phạt và tháo các biển kiểm soát giả vứt xuống biển.

Cáo trạng cáo buộc hành vi của Duy và Lý làm cho việc truyền tải thông tin của thiết bị giám sát hành trình về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá không đúng với thực tế vị trí tàu cá đang hoạt động, gây cản trở, gây rối loạn hoạt động của các phương tiện điện tử dẫn đến cơ quan có thẩm quyền không quản lý được hoạt động khai thác thủy sản của tàu BV-97978-TS và BV-97057-TS trong khoảng thời gian hơn 1.337 giờ. Theo quy định pháp luật, hành vi của 2 bị cáo đối diện với mức án phạt từ 7 - 12 năm tù.

Thừa nhận hành vi phạm tội

Tại phiên xét xử, hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố nhưng đổ lỗi do thiếu hiểu biết, chỉ là người làm thuê và vì hoàn cảnh khó khăn. “Bị cáo ít học nên thiếu hiểu biết, khi được nhờ thì giúp chứ không hưởng lợi gì cả. Bị cáo rất ân hận. Nếu biết việc giữ “máy” giúp Duy vi phạm nghiêm trọng đến mức ngồi tù thì bị cáo không bao giờ giúp”, Lý nói.

Ngoài ra, Lý còn khai Trần Thành Đạt (SN 1992, ngụ TP. Vũng Tàu) là người liên lạc nhờ bị cáo gửi thiết bị giám sát hành trình 2 tàu cá mà bị cáo được giao quản lý. Qua đối chất, xác minh không có kết quả nên chưa có cơ sở để xử lý đối với Đạt. Trong khi đó, bị cáo Duy cho rằng bản thân chỉ là người làm thuê, đánh bắt cá không hiệu quả, lo lắng thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống nên mới đi đánh bắt thủy sản ở vùng cấm.

Tại phiên xử, bên cạnh làm rõ diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo, HĐXX còn làm rõ vai trò, trách nhiệm của những người liên quan như chủ tàu, người giúp các bị cáo qua mặt cơ quan chức năng để tàu xuất bến đi đánh bắt thủy sản khi chưa đáp ứng đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Phát biểu quan điểm luận tội tại phiên xét xử, đại diện Viện KSND tỉnh đánh giá hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm hại các quy định của nhà nước Việt Nam về quản lý khai thác hải sản, trong đó có hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Việt Nam bị gắn thẻ vàng đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu.

Theo đại diện Viện KSND tỉnh, từ tháng 10/2017, tỉnh cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Cơ quan chức năng cũng tích cực tuyên truyền, vận động, đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ để ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đánh bắt, khai thác thủy sản, góp phần thực hiện được mục tiêu, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.  Tuy nhiên, các bị cáo vẫn cố tỉnh thực hiên hành vi trái pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động giải trình để EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. 

Đánh giá toàn diện nội dung vụ án, xem xét hồ sơ và diễn biến phiên xử, HĐXX đã tuyên phạt Duy và Lý mỗi bị cáo 7 năm tù.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.