Câu cá trên cầu từ lâu đã trở thành thói quen, thú vui của một số người. Tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây lo ngại cho các phương tiện tham gia giao thông và cả những người dân sinh sống gần khu vực cầu.
![]() |
Nếu không quan sát khi quăng cần thì dây câu có thế vướng vào người đi đường bất cứ lúc nào. Trong ảnh: Người dân câu cá trên cầu sông Dinh (TP.Bà Rịa). |
Dây câu vướng người đi đường
Vụ việc xảy ra vào chiều 4/3 trên cầu Sông Dinh (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) là một minh chứng rõ ràng cho mối nguy hiểm này. Ông Võ Hoàng Hải (ngụ TP.Bà Rịa), một người dân thường xuyên đạp xe tập thể dục, đã bất ngờ bị cục chì câu văng trúng vai, khiến ông choáng váng và ngã xuống đường. May mắn, do đường vắng và ông Hải di chuyển chậm sát lề đường nên không gặp phải chấn thương nghiêm trọng.
Nhiều người dân địa phương cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng câu cá trên cầu. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống gần cầu sông Dinh, chia sẻ: “Tôi thường xuyên thấy người ta tụ tập câu cá trên cầu, nhất là vào buổi chiều và cuối tuần. Họ đứng tràn ra cả lòng đường, quăng cần câu bất cẩn, rất dễ gây nguy hiểm cho xe cộ qua lại”.
Còn anh Trần Văn Bình, một tài xế xe máy thường xuyên di chuyển qua các cây cầu trong TP.Bà Rịa, cũng bức xúc: “Không ít lần tôi suýt bị vướng phải dây câu hoặc lưỡi câu của những người câu cá trên cầu. Có khi họ còn mải mê câu cá mà không chú ý quan sát, lấn chiếm lòng đường, khiến xe chúng tôi phải phanh gấp”.
Ngoài nguy cơ tai nạn giao thông, người dân còn phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do những người câu cá thiếu ý thức vứt rác thải, mồi câu, dây câu bừa bãi trên cầu và xuống sông, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và hệ sinh thái.
Lựa chọn những điểm câu an toàn
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện Ban An toàn Giao thông tỉnh cho biết, cơ quan chức năng đã nắm được tình hình và nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ việc câu cá trên cầu. “Chúng tôi đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về vấn đề này. Việc người dân tập trung câu cá trên cầu không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao, đặc biệt là khi họ quăng cần câu hoặc di chuyển trên cầu mà không chú ý đến an toàn.”
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tiến hành nhắc nhở, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông và những nguy cơ tiềm ẩn từ việc câu cá trên cầu. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu các quy định hiện hành để có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm, có thể xem xét việc cắm biển cấm câu cá tại những vị trí cầu có mật độ giao thông cao hoặc có nguy cơ mất an toàn.”
Để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự chung tay của cả người dân và cơ quan chức năng. Về phía người dân, đặc biệt là những người có thú vui câu cá, cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, lựa chọn những địa điểm câu cá an toàn, không gây ảnh hưởng đến giao thông và môi trường. Mỗi người cần tự giác thu gom rác thải sau khi câu cá, giữ gìn vệ sinh chung.
Về phía cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, đặc biệt là những nguy cơ liên quan đến hoạt động câu cá trên cầu. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về việc cấm hoặc hạn chế câu cá trên các cây cầu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Thiết nghĩ, niềm vui giải trí không nên đánh đổi bằng sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Việc chung tay hành động từ cả người dân và cơ quan chức năng là cần thiết để chấm dứt tình trạng câu cá trên cầu gây mất an toàn giao thông, mang lại một môi trường giao thông văn minh và an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Bài, ảnh: VÕ ĐỨC