.

Nghiêm trị hành vi tung tin đồn thất thiệt

Cập nhật: 16:54, 20/02/2025 (GMT+7)

Thời gian gần đây, cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng xuất hiện những tin đồn thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng uy tín của cá nhân, tổ chức. Người dân cần cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng, bởi nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Công an xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) làm việc với ông N.H.T. (SN 1993, trú xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.
Công an xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) làm việc với ông N.H.T. (SN 1993, trú xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Đăng tin sai sự thật

Mới đây, Công an TP.Đà Nẵng đã làm việc với người phụ nữ đăng tải thông tin sai sự thật về việc bị bỏ thuốc mê trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Cụ thể, rạng sáng 17/2, mạng Facebook xuất hiện một bài viết do tài khoản có tên “Kiều Linh” đăng tải với nội dung: tối 16/2, khi đi làm về gần cầu Rồng, cô đã gặp một thanh niên vẫy xe xin đi nhờ. Sau một lúc trò chuyện, cô cảm thấy “người dần tê liệt” nên hoảng sợ phóng xe bỏ chạy. Cô còn cho biết, có 2 thanh niên khác đi xe máy đuổi theo, buộc cô phải chạy vào một quán nhậu kêu cứu. Sau đó, cô ngã xuống, rơi vào trạng thái “bủn rủn, không biết gì nữa”, khi tỉnh dậy thì đã ở trong bệnh viện.

Bài viết này nhanh chóng thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý lo lắng, đặc biệt là đối với phụ nữ thường xuyên di chuyển vào ban đêm. Sau khi vào cuộc xác minh, Công an TP.Đà Nẵng khẳng định không có chuyện bỏ thuốc mê, thông tin mà người này chia sẻ hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở. Chủ tài khoản Facebook “Kiều Linh” sau đó đã tự nguyện gỡ bài và đăng thông tin đính chính.

Trước đó, ngày 10/2, trên các trang mạng xã hội lan truyền clip một phụ nữ ôm con khóc và cầu cứu cộng đồng mạng vì cho rằng mình bị móc túi trước cổng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh). Sau quá trình xác minh, công an đã mời người phụ nữ trong clip đến làm việc. Tại đây, người này khai: Trong lúc di chuyển từ bến xe miền Đông về Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã làm mất số tiền 9,5 triệu đồng. Do tiếc tiền và không còn tiền để khám bệnh cho con nên đã livestream xin mọi người giúp đỡ. Để dễ lấy được lòng thương của mọi người, chị này bịa ra lý do bị một số đối tượng dàn cảnh để lấy trộm tiền trước cổng bệnh viện.

Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 6/2, Công an xã Phước Tân (huyện Xuyện Mộc) đã lập hồ sơ xử lý ông N.H.T. (SN 1993, trú xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự cá nhân. Trước đó, ngày 4/2, ông T. sử dụng tài khoản Facebook cá nhân “N.T” (người tham gia ẩn danh) đăng lên hội nhóm “DÂN XUYÊN MỘC” với nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín công an, UBND xã Phước Tân.

Qua làm việc tại cơ quan công an, ông T. nhận thấy, việc làm của bản thân là sai và cam kết không tái phạm. Cơ quan chức năng đã yêu cầu ông T. chấp hành nghiêm quy định pháp luật, gỡ bỏ bài viết và đăng nội dung công khai đính chính.

Xử nghiêm để răn đe

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm (Công an tỉnh) cho biết, hành vi tung tin thất thiệt không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự và danh dự của cá nhân, tổ chức bị vu khống. Theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, người tung tin giả có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, tổ chức, cá nhân và người sử dụng mạng xã hội chấp hành các quy định của pháp luật, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ thông tin xấu độc, sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức... Mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Luật Nguyễn Cảnh cho biết, theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Ngoài ra, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định nghiêm cấm hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong Nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội. Nếu vi phạm nghiêm trọng, người tung tin giả có thể đối mặt với án phạt tù.

Việc xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn thất thiệt không chỉ nhằm bảo vệ sự thật, mà còn giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội. Cộng đồng cần nhận thức rõ rằng, thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng chính xác và việc chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

.
.
.