Khẩn trương đưa luật vào cuộc sống
Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiều luật và nghị quyết do Bộ Công an chủ trì và phối hợp soạn thảo. Để các luật thật sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế thì việc triển khai thi hành phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả, chất lượng.
![]() |
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong ảnh: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở TP.Vũng Tàu ra mắt và diễn tập tình huống trong ngày luật bắt đầu có hiệu lực. |
Góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
Ngày 7/2, Công an tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá tình hình và kết quả công tác tham mưu xây dựng triển khai thi hành các luật, nghị quyết do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được Quốc hội khóa XV thông qua và các văn bản quy định chi tiết.
Thượng tá Lương Đức Minh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật được các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung, áp dụng nhiều giải pháp thực hiện góp phần vào thắng lợi nhiệm vụ ổn định an ninh, chính trị, bảo đảm quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.
Trong đó, Bộ Công an là đơn vị chủ công đi đầu trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp soạn thảo và được Quốc hội thông qua 13 luật, 2 nghị quyết. Đây là sự nỗ lực của toàn thể lực lượng công an, sự đóng góp ý kiến, phản biện của các cấp các ngành, các chuyên gia và Nhân dân.
Để các luật thật sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, việc triển khai thi hành luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả, chất lượng.
Tham luận tại hội thảo về vấn đề đấu giá biển số xe, Thượng tá Trần Trọng Luật, Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết, CSGT tỉnh đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến nay, có thể khẳng định việc đấu giá biển số xe ô tô là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời; khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số xe, phù hợp chủ trương chuyển đổi số quốc gia và xu thế phát triển chung, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân; tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
“Gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực sau 6 ngày được ký ban hành là quá gấp gáp. Tuy nhiên, do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã có những cuộc họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Thượng tá Trần Trọng Luật nhấn mạnh.
Về lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thượng tá Đặng Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Khi luật có hiệu lực, lực lượng cảnh sát hành chính toàn tỉnh đã cấp gần 65.000 căn cước cho công dân, tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Luật Căn cước để người dân hiểu rõ những điểm mới, tiện ích.
Triển khai luật có trọng tâm, trọng điểm
Kết luận hội thảo, Thượng tá Lương Đức Minh nhấn mạnh, trong thời gian tới, công an các đơn vị triển khai các luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức. Phổ biến, quán triệt để cán bộ chiến sĩ nắm vững, áp dụng thi hành pháp luật cho đúng quy định; tránh trường hợp cán bộ không nắm, không biết mà vẫn áp dụng các quy định, văn bản đã hết hiệu lực.
Thượng tá Lương Đức Minh yêu cầu lực lượng công an phải chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, tham gia góp ý xây dựng pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu trong góp ý các dự án luật, nhất là các dự án luật do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản, nhất là các nội dung trong dự thảo có liên quan đến lĩnh vực, chuyên môn công tác để từ đó góp ý kiến cho phù hợp thực tiễn; tránh trường hợp không góp ý khi luật có hiệu lực lại báo cáo khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cần chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, nhất là việc thi hành các luật, nghị định, thông tư; kịp thời xử lý các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước; nắm chắc tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, ý kiến phản biện chính đáng của cơ quan, tổ chức để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét…
Quá trình thực thi, thi hành các luật cần nắm những nội dung, quy định còn bất cập, chồng chéo, là “điểm nghẽn” để tham mưu, báo cáo Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp, từ đó tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, tư pháp và công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN